Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi
Cập nhật ngày: 12/06/2019 15:21:26
ĐTO - Tại Đồng Tháp, ngày 21/5/2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) lần đầu tiên xảy ra ở 4 hộ chăn nuôi heo ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng với tổng đàn 187 con.
Phát tờ rơi tuyên truyền dịch heo tai xanh
Từ khi có DTHCP đến nay, dịch bệnh tiếp tục lây lan sang địa bàn TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, các huyện: Tháp Mười, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình. Gần đây nhất, vào ngày 5/6, tại hộ ông Nguyễn Văn Lý ở ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung có 7 con heo mắc DTHCP và đã được ngành chức năng tiêu hủy. Tính đến ngày 7/6, toàn tỉnh có 129 hộ chăn nuôi, ở 36 xã của 10 huyện, thị, thành có heo mắc bệnh với tổng đàn là 3.423 con, mắc bệnh, chết và tiêu hủy 3.018 con, tổng khối lượng tiêu hủy 178.808kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, toàn bộ số heo trên đã được ngành thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xử lý tiêu hủy nhằm tránh dịch bệnh lây lan, đồng thời tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trong công tác phòng, chống dịch, Sở NN&PTNT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh của 12/12 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho 12/12 huyện, thị, thành. Các chốt kiểm dịch tạm thời cũng nhanh chóng được thành lập. Đến nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền các địa phương thành lập thêm 7 chốt kiểm dịch tạm thời, đưa tổng số trạm và chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh là 16, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở yêu cầu các huyện, thị, thành thống kê, rà soát lại tổng đàn heo cũng như các tuyến vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn, kể cả đường thủy,... để nghiên cứu lập kế hoạch chốt chặn trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Để tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng đối với dịch bệnh, tất cả huyện, thị, thành đã cung cấp thông tin đường dây nóng để tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương. Toàn tỉnh đã cấp phát 28 ngàn tờ rơi phòng, chống DTHCP cho 12 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị, thành phố và chi đoàn thanh niên tuyên truyền đến người dân, các hộ chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp cũng đã tổ chức tập huấn ứng phó khẩn cấp với bệnh DTHCP cho 24 cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh ở tất cả huyện, thị, thành.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác phòng, chống DTHCP ở Đồng Tháp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Việc tổ chức chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến đường giao thông gặp rất nhiều khó khăn do không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thì còn rất nhiều các tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà,... nên khó có thể kiểm soát hết được. Ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, thường có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên trong giai đoạn dịch bệnh, giá heo xuống thấp, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nên đôi khi không quan tâm chăm sóc đàn heo, để đàn heo bệnh suy kiệt dần và phát bệnh để được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trước tình hình DTHCP diễn biến phức tạp trên địa bàn Đồng Tháp, ngành chức năng tỉnh đang tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. “Khi phát hiện dịch bệnh xảy ra thì xử lý nhanh, gọn, không để dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi” - Ông Bạch Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp cho biết.
Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ phụ trách địa bàn, tăng cường đi công tác cơ sở, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; giám sát việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Sở cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, các trường hợp giết mổ lậu, sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh của cơ quan thú y; tăng cường phối hợp, kiểm tra tại các tuyến đường giao thông để hạn chế tối đa việc vận chuyển heo bệnh và sản phẩm thịt heo mắc bệnh, không rõ nguồn gốc từ các tỉnh đưa về tỉnh để tiêu thụ; vận động người dân tham gia giám sát và thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng hoặc thông qua đường dây nóng các trường hợp nghi ngờ vận chuyển heo mang mầm bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
HỮU NGHĨA