Sâu keo mùa thu - loại dịch hại nguy hiểm cho ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 08/06/2019 05:20:58
ĐTO - Trong khi ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang gồng mình chống dịch tả heo Châu Phi thì một loại dịch hại nguy hiểm khác gây hại cho cây trồng là sâu keo mùa thu đang xuất hiện trên nhiều diện tích trồng bắp của huyện Thanh Bình. Theo Cục Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu là một loại dịch hại đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh và gây hại nặng nề tại các vùng bị xâm nhiễm.
Sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp ở huyện Thanh Bình
Khác với các loại sâu bản địa, sâu keo mùa thu có sức ăn khỏe, tốc độ cắn phá cây trồng rất nhanh, đặc biệt loại sâu hại này có khả năng kháng thuốc cao, di trú nhanh. Tại Đồng Tháp, mặc dù chỉ mới được phát hiện tại huyện Thanh Bình, song tốc độ cắn phá của sâu keo tại nhiều ruộng bắp khu vực 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình diễn biến khá nhanh. Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, đã phát hiện sâu keo mùa thu xuất hiện tại một số diện tích trồng bắp của các xã: Tân Bình, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề, Tân Long.
Chị Phạm Thị Kim Quyên - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình cho biết, hiện sâu keo mùa thu xuất hiện trên các trà bắp còn non khoảng 20 - 35 ngày tuổi, đặc biệt là các trà bắp đang ở giai đoạn từ 3 - 7 lá. Mật số sâu trên ruộng nhiễm ở mức độ nhẹ, mật độ phổ biến từ 2 - 4 con/m2. Mặc dù mật số sâu trên ruộng còn thấp, song với sức cắn phá của sâu keo mùa thu khá khỏe, dù trên mỗi đọt bắp chỉ xuất hiện một cá thể sâu keo mùa thu nhưng chúng có thể ăn rách nát hết phần lá non trên ngọn của cây bắp và thải ra lượng phân lớn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, sâu keo mùa thu là loài sâu hại xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng trên cây bắp và nhiều loại cây trồng khác. Sâu keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, thuộc Bộ Lepidoptera, họ Noctuidae. Sâu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Vào tháng 7/2018, loài sâu này được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm, loài sâu hại này đã xuất hiện tại Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Sâu keo mùa thu là loài đa thực, có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: bắp, lúa, kê và cây mía. Ngoài ra cũng đã phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông. Sâu keo mùa thu có đặc điểm đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông. Lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song, chia phần lưng mỗi đốt thành 2 phần đều nhau, trên mỗi phần có 2 chấm đen và cơ thể có nhiều lông.
Sâu keo mùa thu có đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông
Trước những tác động tiêu cực của sâu keo mùa thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương cần khẩn trương tổ chức điều tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời, có biện pháp ứng phó. Song song đó, cần thông tin đến người dân biết về loại dịch hại này để có sự chủ động hơn về sản xuất. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trước khi xuống giống cần vệ sinh đồng ruộng hạn chế nơi trú ẩn của sâu, sau mỗi vụ mùa cần làm đất, phơi đất để diệt ấu trùng hoặc có thể luân canh cây khác.
Ngoài ra khi xuất hiện sâu keo mùa thu cần cắt tỉa những bộ phận bị sâu tấn công, có thể dùng tro bếp, nước xà phòng pha loãng hay các biện pháp sinh học (dùng nấm trắng, nấm xanh,...) đổ vào ngọn để diệt sâu non. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các hoạt chất hóa học như: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron để phòng trừ nhưng cần tuân thủ theo quy tắc “4 đúng” để tránh sâu kháng thuốc và bảo tồn các loài thiên địch.
Mỹ Lý