Sử dụng phân bón thông minh - mô hình giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Cập nhật ngày: 10/05/2018 06:33:25

Khác với các mùa vụ trước, vụ hè thu này, nông dân huyện Hồng Ngự chủ động giảm chi phí sản xuất nhằm đảm bảo lợi nhuận ổn định khi thu hoạch dù giá lúa thương phẩm tăng hay giảm. Trong đó, việc sử dụng phân bón thông minh là một trong những mô hình được nông dân huyện Hồng Ngự lựa chọn thực hiện để giảm chi phí sản xuất.

Trước đây, ông Đặng Văn Hãnh ngụ ấp 3, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự canh tác lúa theo tập quán truyền thống, mặc dù cuối vụ đạt năng suất nhưng chi phí dành cho sản xuất quá cao nên lợi nhuận không nhiều. Vụ hè thu này, ông Hãnh đã chủ động đăng ký tham gia mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh do huyện Hồng Ngự phát động với mong muốn chủ động được lợi nhuận ngay từ đầu vụ.

Ông Đăng Văn Hãnh cho biết: “Giờ làm lúa chỉ bón phân thông minh 1 lần trước khi xuống giống, giảm được nhân công, chi phí, vận chuyển... nên góp phần tăng lợi nhuận”.

Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh được huyện Hồng Ngự triển khai thực hiện thí điểm trên diện tích 2ha, sử dụng giống lúa OM5451. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% về giống, 30% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, mô hình sử dụng phân bón thông minh giúp nông dân giảm chi phí đáng kể khi chỉ bón phân duy nhất 1 lần cho cả vụ.

Ông Nguyễn Văn Bé ngụ ấp 3, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cho biết: “Trước đây 1ha phải chi khoảng 8 - 9 triệu đồng cho việc bón phân, bây giờ chi phí chỉ còn từ 5 - 6 triệu đồng. Trước mắt lợi nhuận 3 - 4 triệu đồng”.

Bên cạnh việc giảm chi phí phân bón, mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh còn giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 200kg/ha xuống 100kg/ha, giảm số lần phun thuốc trừ sâu, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hồng Ngự cho biết: “Đây là mô hình rất hiệu quả, thứ nhất là lượng phân bón ít hơn chỉ từ 28 - 30kg (bón theo truyền thống là từ 40 - 50kg/công), thứ 2 là số lần bón phân giảm, chỉ bón 1 lần đầu vụ. Về lợi ích về xã hội thì phân này tan chậm, ít ảnh hưởng môi trường, sức khỏe con người, nhất là nông dân trực tiếp sản xuất”.

Hiện nay, rất nhiều mô hình giảm chi phí sản xuất lúa được phát động thực hiện và mô hình sử dụng phân bón thông minh cũng là một trong số đó. Người dân cần chủ động tham gia các mô hình nhằm giảm tối đa chi phí trong sản xuất, chủ động lợi nhuận, tránh điệp khúc được mùa mất giá, không đạt lợi nhuận như những năm trước đây.

HUỲNH VĂN TÂN HỢP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn