Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất - kinh doanh thực phẩm
Cập nhật ngày: 11/05/2018 15:36:48
ĐTO - Những năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Bằng những giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo bước chuyển biến, giúp các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP.
Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thời gian qua, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP (gồm ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP nhằm nâng cao nhận thức của cơ sở, doanh nghiệp về tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức nhằm tác động sâu sắc đến nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với việc tuyên truyền thì việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát được coi là nhiệm vụ quan trọng quyết định mức độ ảnh hưởng của ATTP tới sức khỏe của con người và cũng chính là giải pháp đảm bảo ATTP. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các huyện, thị, thành trong địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong năm 2017, đã tiến hành thanh kiểm tra được 9.156 cơ sở, trong đó có 7.762 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 84,78%. Qua đó, tiến hành xử lý bằng hình thức cảnh cáo 1 cơ sở, phạt tiền 116 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 507 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Phước - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Trong các đợt kiểm tra về ATTP, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thuộc một số địa phương trong tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, bước đầu ý thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những chuyển biến, đa số không vi phạm các quy định về ATTP. Một số cơ sở vi phạm được đoàn nhắc nhở, hướng dẫn và xử phạt nhằm không tái phạm”.
Theo ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp: “Sau thời gian hoạt động, các sản phẩm trái cây sấy khô của Nam Huy Đồng Tháp được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận. Với tiêu chí sản xuất sạch, bao bì đẹp, giá cả cạnh tranh, đơn vị đã và đang đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng đảm bảo các tiêu chí về ATTP. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn tập trung vào chất lượng sản phẩm và độ an toàn bằng cách liên kết với nông dân, các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo hàng hóa có chất lượng, giá hợp lý; đảm bảo các khâu bảo hộ lao động; thường xuyên cho đội ngũ công nhân đi khám sức khỏe... Qua từng năm, sản lượng có bước tăng trưởng tốt”.
Có được kết quả trên là do tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng thuộc Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP... Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể là theo quy định hiện hành, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc cấp tỉnh, không quy định chức năng thanh tra chuyên ngành cấp huyện, do đó nhân lực chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn về tăng cường công tác thanh tra ATTP trên phạm vi toàn tỉnh...
Để công tác vệ sinh ATTP được triển khai đồng bộ, ông Lê Hồng Bảy, Phó Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) cho biết: “Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp, tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP trên các phương tiện. Đồng thời, khuyến cáo sâu rộng đến người dân không sử dụng hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.
Chi cục Quản lý thị trường khuyến cáo các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tăng cường nghiên cứu, cập nhật các văn bản quy định về ATTP để chủ động trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình. Riêng đối với cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh công tác hậu kiểm, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định để góp phần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở, doanh nghiệp.
Hoài Minh