Huyện Cao Lãnh

Tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực

Cập nhật ngày: 28/08/2015 11:14:02

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện Cao Lãnh chuyển dịch đúng định hướng. Sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tính cạnh tranh. Diện tích lúa chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất bình quân đạt 66 tạ/ha, sản lượng đạt 511.984 tấn vào năm 2015 (tăng 91.580 tấn so với năm 2010).


Thu hoạch xoài rải vụ ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư; tỷ lệ tưới tiêu bằng bơm điện đạt 76,58% tổng diện tích đất sản xuất lúa. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 ước 8.613 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên 506 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 93 tỷ đồng. Phối hợp triển khai thực hiện hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện.

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được đẩy mạnh phát triển gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động: công tác xúc tiến thương mại, đầu tư được tập trung. Đến nay, huyện có 4 cụm công nghiệp, với diện tích 114ha, có 10 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm đạt 12%. Hoạt động thương mại - dịch vụ mở rộng hoạt động, chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp - tọa lạc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh duy trì phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân hằng năm 14%. Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và sản phẩm du lịch, số khách đến tham quan các điểm du lịch tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2010.

Hướng tới, huyện Cao Lãnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 trên địa bàn huyện, nhất là tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực như: lúa gạo, xoài, cá, vịt. Trong đó, định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng tập trung, chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng lúa đạt khoảng 522.000 tấn; gắn với hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp; hình thành vùng chuyên canh cây xoài ở các xã ven Quốc lộ 30, duy trì và giữ vững chất lượng thương hiệu xoài Cao Lãnh; phát triển ngành hàng vịt theo vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học; đầu tư phát triển vùng nuôi tôm, cá tra, cá điêu hồng theo quy hoạch, chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực vùng nuôi. Đặc biệt, địa phương tiếp tục triển khai áp dụng quy trình GAP trong sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng; chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả về liên kết, phát triển hình thành chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ với quy mô phù hợp; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện, ổn định, vững chắc, tạo sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng ngày càng cao. Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa trong sản phẩm nông nghiệp; rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, nhất là mạng lưới giao thông, điện, thủy lợi, bảo đảm tưới, tiêu; phấn đấu có 26.400ha diện tích lúa được tưới, tiêu bằng hệ thống bơm điện.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn