Thị trường nhà đất chưa ngừng “sốt”

Cập nhật ngày: 06/09/2018 06:03:39

ĐTO - Từ sau Tết 2018 đến nay, thị trường nhà đất tại các đô thị của tỉnh vẫn trong tình trạng nhộn nhịp. Nền ở các vị trí đẹp, gần trung tâm đang được giới đầu tư đẩy giá lên cao ngất ngưỡng.


Người dân chờ hướng dẫn các thủ tục về nhà đất tại Bộ phận Một cửa TP.Cao Lãnh

Giá “sốt” do đô thị phát triển và “ăn theo” Phú Quốc

Giá đất tại TP.Cao Lãnh bắt đầu “nóng” khi UBND tỉnh cho khởi công các công trình thuộc dự án nâng cấp đô thị từ năm 2013, nhưng “sốt” nhất là từ năm 2015 đến nay. Giá đất từ phường 1, 2, 4 cho đến khu vực vùng ven của thành phố như: Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Tân đều tăng dần theo thời gian. Dự án nâng cấp đô thị càng được hoàn thiện thì giá đất càng tăng. Vị trí nền càng gần trung tâm và đường càng lớn thì giá càng cao.

Khu dân cư (KDC) phường 3 (Tây Hồ) có vị trí gần chợ Cao Lãnh và gần trung tâm nên được nhiều người chọn làm nơi an cư. Nền nhà của một số đường ở KDC này như: Phạm Thị Uẩn, Phan Thị Huỳnh,... vào năm 2014 chỉ ở mức 400-500 triệu đồng/nền, hiện nay được rao bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng/nền. Tương tự, nền nhà tại các KDC phường 4 - Hòa An, Trường Cao đẳng Cộng đồng, chợ Rạch Chanh,... giá cũng tăng đáng kể, nhiều nền hiện có giá 600-900 triệu đồng, tăng từ 200-400 triệu đồng/nền so với năm 2015. Thậm chí nền nhà ở các đường lớn còn được đẩy giá lên hơn 1 tỷ đồng. Đắt đỏ nhất là các nền nhà ở KDC đường Tôn Đức Thắng (phường 1), nền giáp với mặt tiền đường lớn có giá vài tỷ đồng.

Theo giới kinh doanh bất động sản, hiện “cơn sốt” cao độ về giá đất ở Cao Lãnh đang thuộc về KDC đường Nguyễn Văn Tre nối dài ngang khu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được xây dựng. Nền nhà ở khu dân cư này, vào cuối năm 2015 chỉ được giao dịch với giá từ 500 - 600 triệu đồng/nền, hiện nay có giá từ 1-3 tỷ đồng/nền. Cao nhất là nền nhà mặt tiền đường nhựa rộng 14m trước cổng bệnh viện (diện tích 5x19m) trước đây chưa đến 600 triệu đồng thì nay được giao dịch với giá hơn 3 tỷ đồng/nền, trong khi giá đất quy định của UBND tỉnh vị trí đường này chỉ 2,5 triệu đồng/m2.

Cùng với TP.Cao Lãnh, giá đất tại TP.Sa Đéc cũng đang tăng cao. Theo anh Lê Thanh Lực - chuyên kinh doanh nhà đất ở phường Tân Quy Đông, giá đất tăng là do Sa Đéc được công nhận đạt đô thị loại II và các trung tâm thương mại: Vincom, Siêu thị CoopMart, Nguyễn Kim đã triển khai tại địa phương. Ngoài ra, giá đất tăng vì giới đầu tư  đã “gom hàng” sau khi “thắng” giá đất Phú Quốc. Anh Lực kể: “Sau khi bán đất ở Phú Quốc hơn 200 tỷ đồng, ông T. N. là chủ doanh nghiệp mua bán xe nổi tiếng ở Sa Đéc về mua đất. Có bao nhiêu đất ở vị trí đẹp, ưng ý là ông thu mua vào nên giá nhà đất cũng tăng theo”.

Đất nền ở các KDC khóm 3 (phường 2), Tân Hòa (phường An Hòa) tùy theo vị trí đường có giá tăng từ 200-400 triệu đồng/nền so với trước Tết 2018. Đất trên đường Nguyễn Văn Phát (phường 1) có giá giao dịch từ 18-25 triệu đồng/m2.

Giá đất tăng, thị trường sôi động nên các cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thủ tục đăng ký biến động về đất đai của UBND TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc phải làm việc cật lực mới đáp ứng nhu cầu. Bà Phan Thị Nhàn - Phó chánh Văn phòng UBND TP.Sa Đéc cho hay, trung bình mỗi ngày Bộ phận Một cửa thành phố tiếp nhận từ 60-80 hồ sơ đăng ký biến động về nhà đất.

Còn tại TP.Cao Lãnh, trước Tết 2018 trung bình mỗi tháng chỉ tiếp nhận, giải quyết đăng ký về đất đai hơn 1.500 hồ sơ, thủ tục. Từ sau Tết 2018 đến nay, mỗi tháng giải quyết tăng hơn trung bình hơn 60 hồ sơ, thủ tục.

“Cò” đất làm giá tăng

Theo giới mua bán bất động sản tại TP.Cao Lãnh, giá đất ở các phường 4, Mỹ Phú, Hòa Thuận đang trong giai đoạn bảo hòa. Do cầu Cao Lãnh được đưa vào sử dụng và các công trình đường xá, bờ kè ven sông Tiền sắp được triển khai nên giá đất ở tại khu vực phường 6 và xã Tịnh Thới đang tăng giá. Tuy nhiên, thị trường nhà đất tại Cao Lãnh cũng có nhiều nơi đang “giá ảo” so với thực tế. 

Anh Bùi Văn Giàu có kinh nghiệm hơn 10 năm kinh doanh nhà đất ở Cao Lãnh cho hay: “Đất tại khu vực lân cận chợ phường Mỹ Phú, KDC phường 3, khu Bệnh viện Đa khoa vì có vị trí đẹp nên giá cao là hợp lý. Đất tại KDC Trường Cao đẳng Cộng đồng “sốt ảo”. Đường xá khu này không thông thương, không kinh doanh được, chỉ ở mà có giá trên dưới 1 tỷ đồng/nền là quá cao”.

Cũng theo anh Giàu, hiện nay chuyên về kinh doanh nhà đất như anh tại TP.Cao Lãnh chỉ vài người, còn đa số chỉ dừng lại ở hình thức dùng tiền nhàn rỗi mua lại 1,2 nền để bán kiếm lời. Giao dịch nhà đất đang diễn ra sôi động trên các trang mạng xã hội là do các nhóm “cò” đất thực hiện nhằm hưởng chênh lệch với chủ đất.

Việc các nhóm “cò” làm trung gian giới thiệu giúp cho việc mua bán nhà đất dễ dàng và góp phần kích thích thị trường bất động sản sôi động hơn. Tuy vậy, hoạt động của giới “cò” đất cũng đã góp phần đẩy giá đất tăng cao.

Theo anh Giàu, “cò” đất chỉ nhận tiền hoa hồng từ người bán trên cơ sở mức giá được người bán đưa ra. Thế nhưng, nhiều “cò” đất tự ý nâng giá đất của người bán lên để hưởng nhiều tiền chênh lệch. Từ giá của “cò” đất đầu tiên đưa ra, các bạn “cò” đất khác lại tiếp tục nhảy vào hình thành nhóm rao bán và tăng giá đất lên để tiếp tục hưởng chênh lệch. Cho nên người mua phải mua với giá cao ngất ngưỡng.

Điển hình, chị N. công chức của một ngành tư pháp ở TP.Cao Lãnh muốn bán 1 thửa đất tại khu Quảng Khánh, xã Mỹ Trà với giá 260 triệu đồng. Dù không quen biết với chị N. nhưng một “cò” đất tên Trang đã chủ động liên hệ xin thông tin, vị trí thửa đất để rao bán trên mạng xã hội với giá 280 triệu đồng. Do bị đẩy lên giá quá cao nên thửa đất này của chị N. vẫn chưa giao dịch được.

Nếu có quá nhiều người tiếp cận mua đất, một số “cò” đất sẵn sàng “bẻ kèo”. Chúng tôi chủ động liên hệ “cò” đất tên Nghĩa khi anh đăng thông tin rao bán diện tích 4x38m đất lâu năm tại xã Hòa An, với giá 190 triệu đồng. Sau khi xem và trả giá 180 triệu đồng thì “cò” Nghĩa bảo chắc chủ đất sẽ bán. Tuy nhiên, 2 ngày sau “cò” Nghĩa thông tin giá 195 triệu đồng chủ mới bán, cao hơn cả giá đưa ra ban đầu. Thấy việc làm “cò” đất dễ kiếm sống nên có rất nhiều người tham gia “tiếp thị” đất. Trên các trang mạng xã hội chuyên về bất động sản tại Đồng Tháp có hàng chục “cò” đất hoạt động sôi nổi.


Đất tại khu Bệnh viện Đa khoa mới đang “sốt”  trong thời gian gần đây 

Khó sở hữu nhà ở

Là trung tâm đô thị của tỉnh nên nhu cầu về nhà ở tại TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc rất lớn. Có nhu cầu nhà đất nhiều nhất là lực lượng cán bộ, công chức trẻ. Đa số sau vài năm làm việc, tích góp được một số vốn vừa phải, họ muốn sở hữu thửa đất khoảng 200-300 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay giá nhà đất đã rất cao nên với số tiền trên họ rất khó sở hữu được nền ở vị trí thuận tiện mà phải tìm ở vị trí xa trung tâm.

Anh Nguyễn Văn Ng. công chức văn phòng tại TP.Cao Lãnh than thở: “Mấy năm trước có đứa em rủ mua nền nhà ở đường Hòa Đông giá chỉ 200 triệu đồng, nhưng tôi không mua. Hiện nay khu này giá cả tỷ rồi, các khu vực khác cũng lên giá. Giờ có trong tay khoảng 300-400 triệu đồng thì chỉ mua được nền ở xa, nếu muốn sở hữu nhà sẽ còn khó khăn hơn nữa”.

Tâm trạng trên của anh Ng. cũng là tâm trạng chung của nhiều công chức trẻ khác trên địa bàn TP.Cao Lãnh.

Kinh tế của tỉnh phát triển, giá nhà đất ở các đô thị của tỉnh tăng cao khiến cho đối tượng có mức thu nhập trung bình khó sở hữu được nhà ở. Hiện nay, nhu cầu nhà ở cho đối tượng này rất lớn, ngành chức năng của tỉnh cần có chính sách xã hội hóa và kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội nhằm giúp cho nhiều người có cơ hội tiếp cận nhà ở để họ “an cư lạc nghiệp”, gắn bó xây dựng quê hương.

Trần Ngọc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn