Thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 17/11/2018 05:52:04

ĐTO - Năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình kế hoạch cụ thể hóa thực hiện kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và công tác giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm dần sản lượng, nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị từng ngành hàng, nhằm bảo đảm tăng thêm lợi nhuận và thu nhập cho người dân.


Kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong năm 2018 có nhiều khởi sắc, trong đó có ngành hàng hoa kiểng ở TP.Sa Đéc

Theo đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất theo quy trình an toàn (tiêu chuẩn GAP), ứng dụng công nghệ cao và thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, từng bước hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn sản xuất với xây dựng nhãn hiệu nông sản đặc trưng của từng địa phương, nhất là đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân (thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác), góp phần chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp (chú trọng giảm chi phí, tăng chất lượng thay cho việc tăng năng suất và sản lượng), từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang khu vực phi nông nghiệp. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 50,5% trong tổng số lao động xã hội, đạt 99% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ước đến cuối năm 2018, tổng giá trị sản xuất của khu vực I (giá so sánh năm 2010) đạt 41.126 tỷ đồng, tăng 5,65% so với năm 2017; trong đó, tổng giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực theo đề án (lúa, xoài, hoa kiểng, vịt, cá tra) đạt 28.351 tỷ đồng, tăng 4,16% so với năm 2017.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung nhân rộng các mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM; mô hình xã NTM nâng cao, hướng đến kiểu mẫu; chương trình mỗi xã một sản phẩm và chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình kiểu mẫu trong xây dựng NTM tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh và xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh; đồng thời chọn 3 xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười), Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) và Định Yên (huyện Lấp Vò) chỉ đạo điểm trong xây dựng mô hình xã NTM nâng cao, hướng đến kiểu mẫu.

Chương trình xây dựng NTM đã thật sự đi vào cuộc sống, vai trò chủ thể, tính tự lực, tự cường, tinh thần hợp tác của người dân ngày càng được phát huy với nhiều mô hình hiệu quả. Nhờ đó, người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 39 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ước đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 48/119 xã đạt tiêu chí NTM (tăng 14 xã so với cuối năm 2017 và đạt 80% chỉ tiêu nhiệm kỳ đến năm 2020). Các thiết chế văn hóa cấp xã, ấp được quan tâm đầu tư. Huyện Tháp Mười đã có 7/12 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 58,33%) và đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM. Mô hình Hội quán trong nhân dân từng bước phát huy hiệu quả, đã tập hợp được những người dân cùng nhau bàn chuyện liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, thông tin nhu cầu thị trường... Đến nay, đã thành lập được 60 Hội quán gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương.


Nông dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh tăng thu nhập từ việc chuyên canh cây xoài

UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất tập trung và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Kết quả đã hỗ trợ hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời thành lập Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã để liên kết với các nhà vựa, doanh nghiệp thực hiện khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại và bền vững.

Công tác thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, nổi bật như: Tỉnh đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FLC về việc liên kết tiêu thụ và phát triển thương hiệu Xoài Cao Lãnh; kêu gọi Công ty TNHH MTV Nông trại sinh thái Đồng Tháp (Ecofarm) đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch với quy mô 10ha, tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng; đưa vào hoạt động Nhà máy thức ăn chăn nuôi Mavin Ausfeed Đồng Tháp tại Cụm Công nghiệp An Nhơn - Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành; kêu gọi Tập đoàn Mavin (Úc) đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống công nghệ cao tại huyện Cao Lãnh; nghiên cứu thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò... Kết quả lũy kế đến nay đã có 50 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, với tổng vốn đầu tư 4.734,7 tỷ đồng (trong đó có 3 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 157,7 tỷ đồng).

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn