Ứng dụng công nghệ sinh học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 13/06/2019 05:44:43
ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) việc chuyển giao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần thay đổi thói quen, tư duy lạc hậu trong canh tác của nông dân. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất các ngành hàng chủ lực, duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp...
Hoa kiểng cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Đối với cây trồng, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ di truyền vào lai tạo giống mới, phục tráng giống; áp dụng phương pháp nhân giống vô tính (chiết cành, tháp - ghép, cấy mô,...) các giống mang đặc tính tốt, sạch bệnh. Đặc biệt, công nghệ chuyển gen còn được đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh với các giống bắp.
Hiện nay, một số loại hoa kiểng cũng được ứng dụng công nghệ cao nuôi cấy mô vào nhân giống nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường với các nhóm hoa chủ lực như: cúc đồng tiền, cúc mini, hoa chuông, lan ý, lan Dendrobium, dứa diễm phúc... Bên cạnh đó, khảo sát thành công một số cây cấy mô (cẩm chướng lùn, cây lá đỏ, cúc mai, cúc nút áo) và chuyển giao thành công nhân giống in-vitro hoa lan hồ điệp và lan đai châu từ Viện Nghiên cứu và Phát triển rau, hoa.
Ngành nông nghiệp vừa triển khai và hoàn thành giai đoạn 1 Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp”. Dự án được triển khai kịp thời với các mô hình trồng hoa trong nhà lưới năm 2018 (vụ 1), đa số nông dân thực hiện đều đạt lợi nhuận và tỷ lệ xuất vườn cao. Ngoài ra, dự án còn đào tạo ngắn hạn chuyên sâu cho 5 cán bộ kỹ thuật địa phương và tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 lượt nông dân tham dự nắm được các kỹ thuật nhân giống và sản xuất thương phẩm các loại hoa trong dự án.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học, biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, công nghệ sinh thái trên đồng ruộng... góp phần kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại bảo vệ sản xuất, tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Đối với ngành chăn nuôi - thú y, công nghệ di truyền giống vật nuôi được áp dụng rộng rãi nhờ vào kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, chọn lọc, lai tạo giống góp phần cải thiện tầm vóc, năng suất vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được triển khai thực hiện trên các đối tượng vật nuôi. Hiện nay, tỉnh chuyển đổi bước đầu hình thức nuôi vịt chạy đồng sang phương thức nuôi bán chăn thả, đảm bảo an toàn sinh học. Người chăn nuôi còn sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học đối kháng, thực hiện xét nghiệm bệnh bằng phương pháp PCR (polymerase chain reaction), ELISA (enzyme linked immunosorbent assay) giúp cơ quan quản lý hướng dẫn người chăn nuôi phòng trị và áp dụng các biện pháp khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Trên lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp bước đầu nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật chọn lọc di truyền trên các đối tượng thủy sản nuôi, kỹ thuật sinh sản nhân tạo như công nghệ sản xuất tôm toàn đực, ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính sử dụng hormon MT (17 Alpha - Methyl Testosteron) nhằm tạo ra con giống có tốc độ sinh trưởng nhanh và chất lượng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, hoàn thiện công thức thức ăn công nghiệp, cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thiết kế ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị bệnh và xử lý môi trường được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành thủy sản.
Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh các thành tựu đạt được thì việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định. Đơn cử như chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất còn hạn chế, nội dung ứng dụng còn tương đối ít do chưa có nhiều đơn vị đủ khả năng tiếp nhận, chưa sẵn sàng về thiết bị, nhân lực và kinh phí đầu tư cho lĩnh vực công nghệ sinh học. Hiện nay, lĩnh vực công nghệ sinh học còn khá mới mẻ, do vậy việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn.
Y DU