Huyện Thanh Bình

Xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng cây ớt

Cập nhật ngày: 20/01/2016 11:39:49

Dù đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Ớt Thanh Bình”, song do còn nhiều vấn đề trong sản xuất và tiêu thụ nên đến nay ớt Thanh Bình vẫn chưa phát huy được lợi thế...

Nguyên nhân của vấn đề này là do địa phương chưa xây dựng được mối liên kết bền vững, nông dân chủ yếu bán nông sản cho thương lái, doanh nghiệp không có hợp đồng liên kết, chính vì thế mà giá cả cũng lên xuống bấp bênh. Đơn cử, trong vụ đông xuân năm nay giá ớt đầu vụ là 25.000 đồng/kg, nhưng đến cuối vụ chỉ còn 13.000 đồng/kg nên người trồng ớt không có lãi.

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc (85% sản lượng ớt Thanh Bình tiêu thụ qua thị trường này) cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Theo các thương lái, đây là thị trường lớn không đòi hỏi quá cao và chi phí vận chuyển thấp, tuy nhiên việc xuất khẩu ớt sang Trung Quốc chỉ qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng ràng buộc nên giá cả không ổn định, có khi biến động liên tục trong ngày. 

Một bất cập khác là hiện nay chất lượng cây ớt giảm rất nhiều so với những năm trước. Theo đánh giá, nguyên nhân là do nông dân sử dụng phân hóa học thay vì phân hữu cơ, làm giảm chiều cao của cây ớt, ảnh hưởng đến kích cỡ và màu sắc trái. Chú Nguyễn Thái Học (xã Tân Long) cho biết, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều khiến cho đất đai bị cằn cỗi, tác động trực tiếp đến cây ớt và làm giảm năng suất. Thực tế trong thời gian qua, sản lượng ớt tăng là do người dân tăng diện tích chứ năng suất luôn bị sụt giảm.  “Tôi nghĩ các nhà quản lý ngành nông nghiệp cần nghiên cứu quy trình canh tác phân hữu cơ hợp lý và triển khai rộng rãi đến nông dân để họ nắm và thực hiện. Bên cạnh đó, cần thực hiện quy trình chuỗi giá trị sản xuất từ việc trồng giống gì, thực hiện quy trình kỹ thuật ra sao và kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua tạo đầu ra ổn định. Từ đó, nông dân sẽ sản xuất theo đúng yêu cầu, tránh tình trạng sản xuất dư thừa và phụ thuộc vào duy nhất thị trường Trung Quốc như hiện nay” – ông Học mong muốn.

Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giải quyết được bài toán này, địa phương cần tập trung giải quyết 3 khâu chính là giống, sản xuất và thu mua. Muốn sản xuất mang lại hiệu quả phải bắt đầu từ cây giống tốt, được canh tác trên nền đất sạch và đòi hỏi kỹ thuật bón phân tốt bởi ớt là loài cây chỉ thích hợp với phân hữu cơ. Về vấn đề tiêu thụ, cần xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, khi đó doanh nghiệp sẽ hướng nông dân sản xuất theo yêu cầu, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của đôi bên.

Trước những yêu cầu đặt ra đối với cây ớt, hiện địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp. Bà Trần Thị Phiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, huyện đang tập trung phát triển Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Phong và HTX Nông nghiệp Tân Bình nhằm phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Ớt Thanh Bình”. Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài Quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Tân Bình với diện tích 20ha. Hiện HTX cũng tổ chức liên kết tiêu thụ ớt với Công ty TNHH MTV T16 Việt Nam.

Cũng theo bà Phiến, ngoài 20% nông dân trồng ớt được đầu tư hạt giống và thu mua sản phẩm, địa phương cũng đang xây dựng các mô hình nâng chất lượng cây ớt. Từng bước cải tiến chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương, nhất là ớt theo hướng áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ cơ sở vật chất, chuyển giao kỹ thuật đủ điều kiện sản xuất theo quy trình VietGAP, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn