Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Cập nhật ngày: 31/05/2021 16:00:54

>> Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao

>> Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook (hack Facebook) để lừa đảo. Các đối tượng tấn công các tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân của người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, sau đó tìm hiểu mối quan hệ của Facebook vừa chiếm đoạt rồi nhắn tin cho bạn bè, người thân của bị hại để hỏi vay tiền, nhờ thanh toán tiền… rồi chiếm đoạt tài sản.

Khi phát hiện trường hợp này, chúng ta tuyệt đối không nên chuyển tiền ngay cho đối tượng mà phải kiểm tra, xác minh lại tài khoản facebook đó có phải là của người thân của mình hay không bằng cách gọi điện thoại trực tiếp để xác minh, nếu đúng thì chuyển tiền, còn không đúng thì tuyệt đối không thực hiện. Thông tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết là tài khoản facebook của mình đã bị chiếm quyền sử dụng và đang thực hiện hành vi lừa đảo, để biết cách cảnh giác tránh trường hợp bị lừa. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để hỗ trợ điều tra, phát hiện, xử lý.

Lừa đảo qua hình thức trúng thưởng. Đối tượng sử dụng sim rác, sử dụng các trang mạng Facebook, Zalo, Mesenger… giả mạo các ngân hàng, công ty tài chính thông báo đang có chương trình khuyến mãi, tặng quà tri ân khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản để tham gia hoặc thông báo bạn đã trúng thưởng một món hàng giá trị cao như xe máy SH, điện thoại Iphone, sổ tiết kiệm vài trăm triệu… Sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để làm thủ tục nhận thưởng. Khi nhận được tiền, các đối tượng cắt hết liên lạc với bị hại.

Đối với trường hợp này, khi nhận thông báo trúng thưởng, chúng ta cần hỏi rõ họ tên nhân viên, chức danh, đơn vị cung cấp thông tin; đồng thời cần kiểm tra chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp trên Website chính thức, liên hệ với đơn vị tổ chức trao thưởng để xác thực thông tin. Cần bảo mật thông tin cá nhân, không tùy tiện cung cấp số chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; thận trọng khi giao dịch điện tử và hạn chế chia sẻ thông cá nhân cho người khác.

Quảng cáo tìm người làm việc tại nhà để lừa đảo. Đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook đăng quảng cáo tìm người cộng tác bằng hình thức làm việc tại nhà, khi có người liên hệ, các đối tượng giới thiệu, tư vấn về các việc làm như: lắp ráp bút bi, dán tem son, xâu vòng, làm tranh đính đá… Tuy nhiên, muốn nhận sản phẩm về làm, khách hàng phải đặt cọc một số tiền nhất định; đồng thời hứa hẹn sau khi làm xong sẽ thu lại sản phẩm với mức giá cao gấp 3 đến 5 lần và sẽ hoàn trả tiền cọc. Khi khách hàng đồng ý, chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc đơn hàng từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Sau khi làm xong sản phẩm, nạn nhân liên hệ lại thì không liên lạc được. Số tiền đặt cọc bị các đối tượng chiếm đoạt.

Khi gặp trường hợp này, đối với những người đang tìm việc, cần đến những trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị - xã hội và của doanh nghiệp có uy tín, có văn phòng, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại bàn cố định… Không nên tìm việc làm tại nhà trên mạng xã hội, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”. Nếu phát hiện đối tượng nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để điều tra, phát hiện xử lý.

Mạo danh công ty tài chính lừa cho vay tiền. Đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook giả danh các công ty tài chính đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi xuất thấp, thủ tục nhanh chóng. Khi có người liên hệ để vay tiền, các đối tượng tự xưng là nhân viên của công ty tài chính, cam kết cho người vay tiền chỉ cần gởi ảnh sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước và đóng phí hồ sơ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng tính theo gói vay là sẽ được giải ngân vay vốn. Để thuyết phục, đối tượng lừa đảo đã chụp ảnh và gởi cho người vay “hợp đồng tín dụng” có đóng dấu đỏ với nội dung đã phê duyệt khoản vay. Tin tưởng, người vay đã đóng phí hồ sơ xong thì không được giải ngân và không liên lạc được với các đối tượng.

Đối phó với trường hợp này, khi cần vay tiền, người có nhu cầu cần đến ngân hàng có địa chỉ rõ ràng trên địa bàn sinh sống, tuyệt đối không nghe theo các trang mạng xã hội quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản, đó là những chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng dựng nên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cần trao đổi, tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè những thông tin trên để được tư vấn, tránh tình trạng bị lừa đảo. Và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất khi phát hiện có đối tượng nghi vấn.

 (còn tiếp)

Đ.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn