Lấy ý kiến đóng góp Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Cập nhật ngày: 26/02/2021 17:52:38

Ngày 26/2, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).


Đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp Dự thảo Luật

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý còn 8 chương, 54 điều (giảm 2 điều so với Luật hiện hành), quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng rất quan trọng, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu Luật xem xét bỏ biện pháp cai nghiện này thì “cuộc chiến” cai nghiện ma túy sẽ thất bại, làm gia tăng tình trạng nghiện ma túy và tệ nạn buôn bán ma túy trong xã hội. Có đại biểu đề xuất người từ 18 tuổi trở lên cần phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thì quản lý cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Đại biểu cũng đề xuất nên mở rộng cơ sở điều trị cai nghiện tự nguyện thì mới mang lại hiệu quả, giảm bớt áp lực trong công tác quản lý người nghiện, đồng thời giảm bớt tội phạm về ma túy.

Nhiều đại biểu đưa ra ý kiến là không nên dạy học văn hóa cho người nghiện trong thời gian cai nghiện bắt buộc bởi thời gian 12 tháng chấp hành cai nghiện rất ngắn. Mặt khác, trong cơ sở cai nghiện có nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau nên khó khăn cho việc dạy học văn hóa tập trung. Do đó, các đại biểu đề xuất chỉ dạy nghề cho người nghiện để sau này thực hiện xong việc chấp hành cai nghiện bắt buộc có thể tìm việc làm nhằm tránh tái nghiện.

Hiện nay, có rất nhiều loại ma túy tổng hợp xuất hiện nên khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện đối tượng đã nghiện ma túy; đồng thời phải có nhiều thời gian để đưa ra kết luận đối tượng đã nghiện ma túy hay không. Trong khi đó, Luật không có quy định giữ người có địa chỉ cư trú. Nhiều đại biểu yêu cầu Luật phải có tính khả thi cao, đủ tính răn đe; ngoài biện pháp cai nghiện thì ngành chức năng cần ngăn chặn được nguồn cung cấp ma túy để từ đó giảm tình trạng nghiện ma túy.

Các nội dung ý kiến, kiến nghị của các đại biểu được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu để trình lên Quốc hội xem xét.

DƯƠNG CẦM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn