Mong muốn thiết tha của người mẹ là được nuôi dưỡng, chăm sóc con gái

Cập nhật ngày: 03/04/2020 16:58:55

ĐTO- Đó là nguyện vọng thiết tha của em Võ Hồng Thắm, sinh năm 1991, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, hiện tạm trú TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Theo trình bày của Thắm, thời gian đầu vợ chồng em chung sống hạnh phúc, có được 1 bé gái. Thế nhưng từ khi có con, vợ chồng em phát sinh nhiều mâu thuẫn, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa cha mẹ chồng với em cũng không còn yên ấm, cộng thêm mâu thuẫn về tài chính nên em quyết định nộp đơn xin ly hôn với chồng là anh H.T.P. vào tháng 4/2019. Khi ly hôn, Thắm có yêu cầu được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu H. (sinh tháng 4/2017).

Đến ngày 8/11/2019, Tòa án huyện Cao Lãnh đưa vụ án ly hôn giữa Võ Hồng Thắm và H.T.P. ra xét xử. Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã có nhận định là con chung của chị Thắm và anh P. chưa đủ 36 tháng tuổi, hiện chị Thắm có việc làm và thu nhập ổn định, đủ điều kiện nuôi con và chăm sóc con đầy đủ. Bên cạnh đó, với tâm tư, tình cảm của người mẹ có con nhỏ muốn chăm sóc con và ở bên con nên việc chị Thắm yêu cầu được quyền nuôi dưỡng cháu H. là phù hợp nên chấp nhận. Về trình bày của đại diện theo ủy quyền của anh H.T. P. cho rằng chị Thắm chỉ là nhân viên nên mức thu nhập thấp hơn anh P. giữ vị trí quản lý trong công ty và được phép chủ động về thời gian làm việc để chăm sóc cháu H. thuận lợi hơn chị Thắm là chưa hoàn toàn phù hợp nên không chấp nhận.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử đã quyết định chấp nhận yêu cầu của Võ Hồng Thắm được ly hôn với anh H.T.P. và được trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu H., anh P. phải cấp dưỡng nuôi con chung hàng tháng bằng số tiền ½ tháng lương cơ sở cho đến khi con chung trưởng thành đủ 18 tuổi.

Sau đó, H.T.P. đã kháng cáo một phần bản án của Tòa án nhân dân huyện Cao Lãnh, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp (cấp phúc thẩm) giải quyết được tiếp tục nuôi con chung. Ngày 21/2/2020, Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp có ý kiến về nội dung vụ án là đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông H.T.P., giữ y quyết định của bản án sơ thẩm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm, mặc dù cháu H. chưa đủ 36 tháng tuổi nhưng hiện nay con chung của 2 người đang sống với anh P., nếu buộc anh P. giao con chung cho chị Thắm nuôi thì sẽ ảnh hưởng tâm lý của con chung. Đồng thời, từ khi chị Thắm và anh P. sống xa nhau, cháu H. được chăm sóc tốt, chị Thắm không có căn cứ nào để chứng minh cho việc anh P. không đủ điều kiện để chăm sóc con chung. Do đó, để ổn định cuộc sống của cháu H., Hội đồng xét xử xét thấy cần để cho anh P. được tiếp tục nuôi dưỡng con chung mới là phù hợp. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh H.T.P., sửa một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cao Lãnh, giao cho anh P. được tiếp tục nuôi dưỡng con chung là cháu H..

Không chấp nhận cách giải quyết trên, em Võ Hồng Thắm đã cầu cứu đến các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm số 07/2020/HNGĐ-PT ngày 21/2/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh. Thắm trình bày, bản thân em có việc làm ổn định với mức lương 10 triệu đồng/tháng và có phòng tập Sala yoga tại trung tâm TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Em ở nhà cha mẹ ruột ngay TX.Gò Công, có chị gái rất yêu thương em và con, cơ quan cũng chỉ cách nhà em khoảng 3km, mọi thứ đều thuận lợi để đưa đón con đi học, đi chơi. Em có đủ diều kiện về vật chất, thời gian để nuôi dạy con gái một cách tốt nhất và luôn yêu thương, đặt con lên ưu tiên hàng đầu, dành những điều tốt nhất cho con. Với tình cảm của người mẹ có con nhỏ, luôn muốn được chăm sóc con gái mình, em tha thiết mong được giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con vì không ai chăm sóc, nuôi dưỡng con gái tốt hơn người mẹ, mà cháu còn quá nhỏ rất cần hơi ấm và tình thương của mẹ.

Thiết nghĩ, nguyện vọng của em Võ Hồng Thắm là chính đáng và phù hợp quy định pháp luật, mong rằng Tòa án cấp có thẩm quyền xem xét lại vụ việc trên để có cách giải quyết thấu tình đạt lý, đảm bảo quyền lợi cho bà mẹ và trẻ em.

Theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Nhật Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn