Tăng cường phối hợp giữa các ngành để xử lý nghiêm, kịp thời các vụ án xâm hại trẻ em

Cập nhật ngày: 21/09/2019 08:46:58

ĐTO - Ngày 20/9, tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE), đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã đến làm việc với Công an tỉnh.


Ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Công An tỉnh

Tính từ năm 2015 đến tháng 6/2019, Công an tỉnh đã điều tra 131 trong tổng số 132 vụ XHTE. Qua đó, lực lượng Công an đã bắt, xử lý hình sự 134 đối tượng. Theo Công an tỉnh, các đối tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), đa số là người quen, người thân, họ hàng của trẻ, lợi dụng sự ngây thơ, thiếu khả năng tự vệ của trẻ cùng sự chủ quan, chưa quản lý chăm nom tốt của cha, mẹ các em để dụ dỗ, XHTDTE…

Qua làm việc, đoàn giám sát ghi nhận một số khó khăn trong công tác thu thập lời khai và chứng cứ những vụ XHTE như hầu hết các vụ án XHTDTE không có nhân chứng trực tiếp, TE bị xâm hại tình dục còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn về tinh thần nên khai báo chưa chính xác, phía bị hại thường có tâm ý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám tố giác…   

Theo ông Phạm Văn Hòa - Trưởng đoàn giám sát, tội phạm XHTE, nhất là XHTDTE vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đến quyền TE được pháp luật bảo vệ. Ông đề nghị các ngành, các cấp phối hợp thực hiện đồng bộ những biện pháp thiết thực, hiệu quả, quyết liệt trong công tác điều tra, xử lý nghiêm tội phạm XHTE nhằm giảm đến mức thấp nhất TE bị xâm hại, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho TE.


Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có ý kiến tại buổi khảo sát TAND tỉnh

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đến làm việc với Toà án nhân dân (TAND) tỉnh. Trong những năm qua, các vụ án XHTE mà TAND tỉnh xét xử chủ yếu là các vụ án XHTDTE, đối tượng phạm tội đa số là nam giới, có mối quan hệ quen biết, thân thích với TE.

Phương thức, thủ đoạn xâm hại ngày càng nguy hiểm, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của TE để thực hiện hành vi phạm tội, tác động tiêu cực đến thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý bình thường, giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội của trẻ em. Hình phạt được áp dụng đối với các bị cáo XHTDTE là hình phạt tù để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, việc áp dụng hình phạt đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội. Các quyền và lợi ích hợp pháp của TE khi tham gia phiên tòa được bảo đảm.

Đoàn giám sát ghi nhận và chia sẻ một số khó khăn của TAND tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE như tình hình tội phạm về XHTE diễn biến phức tạp, đối tượng có hành vi XHTE thường  dùng thủ đoạn đe dọa, khống chế nạn nhân, khéo che đậy hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, TE chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi XHTD; nhiều TE khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất.

Trưởng đoàn giám sát Phạm Văn Hòa ghi nhận những kết quả đạt được của TAND tỉnh về công tác phối hợp giữa các ngành Tư pháp trong khởi tố, xét xử các vụ án XHTE thời gian qua đảm bảo công bằng, nghiêm minh. Ông Phạm Văn Hòa đề nghị TAND tỉnh tiếp tục quan tâm, xem xét phiên tòa giả định trong tuyên truyền cho học sinh để đánh giá rút kinh nghiệm.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn