Bắt chuột ngày xưa, bây giờ

Cập nhật ngày: 25/01/2020 05:55:35

- Ngày xửa ngày xưa có một lão trọc phú...

- Trọc phú là gì hả ngoại?

- Trọc phú là người giàu có nhưng dốt nát, khoe khoang, ỷ lại, nham hiểm, tham lam, ức hiếp người khác. Thôi đừng hỏi nữa, để ngoại kể cho nghe sự tích con chuột.

Ngày xửa ngày xưa, có một lão trọc phú. Thân thể của lão cực kỳ xấu xí: tướng ngũ đoản, tai to, miệng nhọn, mắt láo liên, vô cùng nham hiểm, tham lam. Lão ỷ lại sự giàu có của mình, mua chuộc quan trên, ức hiếp kẻ dưới, dùng nhiều thủ đoạn chiếm đất đai, của cải dân làng. Quá uất ức, dân làng bẩm tấu lên thiên đình. Ngọc hoàng cử cận thần xuống trần gian xem xét. Sau khi nghe hồi báo, Ngọc hoàng nổi trận lôi đình, ra chiếu chỉ biến tên trọc phú thành con vật.

Cơ thể lão trọc phú bỗng dưng bị nhỏ lại, nhỏ lại rồi biến thành một con vật lông đen, mõm nhọn, tai to, bốn chân ngắn ngủn. Nhưng bản tính tham lam, nham hiểm vẫn không đổi. Dân làng xua đuổi, lùng bắt. Con vật chạy trốn vào hốc, kẹt, chỗ tối tăm, nhưng nó vẫn lén lút mò ra trộm cắp thức ăn, phá hại tài sản của dân làng. Đó là con chuột.

- Hay quá. Nhưng nó lén lút như vậy làm sao bắt được hả ngoại?

- Ờ, có nhiều cách, như dùng chó săn, rập, chĩa, ví cù, chất chà, đào hang. Bắt được nó không dễ, có khi gặp nguy hiểm.

- Sao lại nguy hiểm?

 

... Tiếng kẻng từ vành xe hơi treo lủng lẳng trên nhánh gáo vang lên rồi mất hút trong cánh đồng hoang. Hơn chục cái chòi lợp đưng, lác xác xơ, chen lẩn trong mấy cụm tràm, gáo mọc lơ thơ, rải rác; năm ba con sếu đầu đỏ đi tìm củ năn, nghếch đầu nhìn mấy cánh chim lạc lỏng đang sải cánh, không đủ điểm xuyết cho cái nền vàng xám của năn, lác chết rạp, chồng chất lên nhau đến tận chân trời.

- Nước gì mà đen thui, thúi hoắc.

- Bộ mới vô đây hả. Có nước thúi để tắm rửa vầy là mừng rồi. Muốn nước trong, không thúi thì xuống kinh.

- Để thành cục phèn luôn hả?

- Ăn cơm với khô, dưa mắm hoài, nuốt không nổi.

- Bữa nay tụi mình đi đào chuột cải thiện.

Sau bữa cơm nguội hấp lại với dĩa dưa mắm và vài cọng bông súng nhổ từ hầm trữ nước, mấy anh em trong tổ lên đường.

- Bữa nay đào ở đâu?

- Ở gần đây đào tanh banh hết rồi. Đi lên gò trên kia, có hơn hai chục cái hang.

Từ lán trại cất tạm bợ bên bờ kinh Năm, lội đồng chừng ba cây số mới tới gò. Dù đang sức trai, nhưng người nào cũng hổn hển, lưng đẫm mồ hôi dưới ánh mặt trời ngày càng gay gắt và hơi phèn bốc lên.

- Nước, nước...

- Mày uống như trâu. Uống hết, chút nữa không có nước thúi mà uống.

Tới gò, cả bọn ra sức đào.

- Gom năn, lác đốt lên, ung nó.

Bỗng một con chuột cống nhum từ dưới đất chui lên, cách cửa hang không xa.

- Chụp, chụp...

Con chuột chạy tuốt vào đám năn.

Mặt trời đứng bóng, cả bọn thất thểu trở về. Chiến lợi phẩm chỉ là mấy con chuột cơm.

- Chiều nay đi lấy nước. Thằng nào đăng ký.

- Tui, tui...

- Đông vậy, xuồng khẳm còn chở được bao nhiêu nước. Oẳn tù tỳ, chỉ ba thằng đi, còn lại đốn cây về cất hội trường.

Chiếc xuồng tam bản gắn máy dầu, trong xuồng để thùng phuy, can nhựa, rề rề chạy ra kinh Xáng cách lán trại hơn bốn cây số.

Tới kinh Xáng, cả ba nhảy ùm xuống nước, lặn hụp, la hét như phát rồ.

- Cả tuần nay toàn tắm nước thúi, bị lác, ngứa muốn chết.

- Quá dốt. Tắm nước thúi bị ngứa, tắm lại nước phèn. Phèn chua trị lác số một.

- Thôi, tranh thủ lấy nước rồi về. Chiều nay không có nước nấu cơm là cò chiên lơ.

Buổi tối, chú Tám lội bộ băng đồng đến chơi.

- Chú Tám sống ở đây lâu chưa?

- Ông nội tui là dân cố cựu. Trốn địa chủ vô đây.

- Đất đai vầy sao sống được?

- Ờ, thì cũng phải có cách. Đất tùy người. Chỉ cần siêng năng, chịu khó. Mùa lụt thì dễ sống. Cá đầy đồng. Mấy cái gò cao, chuột, rắn, rùa hội. Nước lụt xuống thì tát đìa, lung bàu. Chỉ lựa bắt cá lớn, ngon như lóc nái, rô mề, trê vàng, sặc rằn. Khi mưa sa thì kiếm lõm, dọn năn, lác đem lúa sạ, phó mặc cho trời. Nếu mưa thuận, gió hòa thì lúa mọc, còn mưa vài trận rồi nắng vài bữa, phèn hực lên, lúa chết sạch, phải sạ lại hoặc bỏ luôn. Nhưng hại hơn phèn là chuột. Lúa sạ tới đâu, nó theo tới đó. Nước giựt, lúa trổ đòng đòng cho tới chín, nó kéo hàng đàn, hàng lũ vô ruộng cắn phá loạn sạp, sanh con đẻ cái. Mùa nào bị chuột phá hại nhiều như vậy thì trắng tay là cái chắc.

Chú Tám chắc lưỡi:

- Cực nhứt là mùa này, nắng cháy da cháy thịt, nước dưới kinh chua lè, đắng chát. Cá chốt trâu còn sống hổng nổi.

- Vậy thì bà con mình ăn uống làm sao?

- Nhà nào cũng có hầm trữ nước. Năm nào hạn ít thì xài nước trong hầm. Nhưng nước có mùi, váng phèn, rịn từ năn lác, rơm rạ. Năm nào hạn nhiều, nước trong hầm cạn, phải bơi xuồng ra kinh Xáng lấy nước. Có khi không lấy được, do nước phèn trong này chảy ra, gặp nước sông, lợn cợn, phải bơi tới sông Cái. Hồi đó đâu có thùng, có phuy như mấy chú bây giờ. Nhận xuồng lấy nước, bỏ vô mấy nhánh tràm, nhánh gáo rồi bơi về. Đi xa như vậy nên ráng lấy càng nhiều càng tốt, xuồng khẳm đừ. Sơ sẩy một chút, xuồng chìm, phải quay trở lại làm chuyến khác. Ăn thì có gạo, khô trữ sẵn. Cả tháng một lần mới bơi xuồng đi chợ, năm sáu cây số. Cũng chỉ mua đá lửa, kim chỉ, muối, đường, dầu lửa. Muốn có đồ ăn thì lội đồng vạch năn, lác kiếm cá, rùa, trăn, rắn mắc kẹt, đào hang bắt chuột.

- Tụi tui cũng đào, hun khói nhưng bắt được không bao nhiêu.

- Con chuột khôn lắm. Nó đào hang, đào ngách. Bởi vậy, trước khi đào hang, phải kiếm mấy cái ngách rồi lấp kín. Khi đào chuột, phải để ý, nếu không chết như chơi.

- Sao lại chết?

- Nắng nóng, con nào cũng kiếm chỗ mát. Rắn bò vô hang bắt chuột, rồi ở luôn trong đó. Nếu không biết, cứ thấy hang chuột mà đào, gặp rắn hổ đất nhào ra, tránh không kịp là bỏ mạng.

Chú Tám nói tiếp:

- Nếu còn ở đây, khi lụt xuống, mấy chú mới thấu hiểu câu “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”. Ăn cơm phải giăng mùng. Dưới kinh, dưới rạch, đỉa trâu, đỉa mén lủ khủ, có con lớn hơn ngón tay cái, dài cả gang, dòm nó lội chớp chớp mà lạnh xương sống.

- Cực khổ vậy sao không đi chỗ khác?

- Đi đâu? Con người sống bởi chữ tình mà. Tình đất, tình người. Cực như vậy nhưng không chết. Chết từ thứ khác.

- Thứ gì vậy chú?

Chú Tám nâng ly rượu, trầm ngâm một lát rồi đặt xuống.

- Mấy chú có biết tại sao tui mất bàn tay trái, đi xích xụi không? Năm tui mười hai, mười ba tuổi gì đó, theo ông già đi tát đìa, bị một trận bom. Tới chừng mở mắt ra, thấy ông già nằm xuôi cò kế bên, máu me đầy mình. Nghe kể lại mới biết, sau trận bom, bà già với hàng xóm chạy kiếm, thấy ông già nằm sấp trên người tui. Họ tưởng cả hai chết hết. May nhờ có mấy ông Việt cộng đi qua, cứu chữa cho tui. Họ nói ở đây là vùng oanh tạc tự do của máy bay Mỹ, bà con phải cảnh giác khi đi mần ăn.

Uống cạn ly rượu, chú Tám trầm giọng:

- Tui sống ở đây hơn bốn chục năm. Ngẫm lại, xứ này trước giờ có ba thứ nguy hiểm. Một là giặc giã, hai là phèn, thứ ba là chuột. Giặc đã đánh đuổi rồi. Nhưng phèn với chuột vẫn còn. Ờ, mấy chú vô đây tính mần gì?

- Mần lúa hết cánh đồng này, chú thấy được không?

- Thất bại là cái chắc.

- Lúc nãy chú nói trồng lúa được mà.

- Xứ này phèn đóng vàng chân. Nghe nói ngày xưa Pháp vô đây, họ đào kinh, đặt tên kinh một, kinh hai, tên tây u gì đó để trồng lúa, nhưng có trồng được đâu. Năn lác, gáo, tràm là thứ chịu phèn còn còi cọc. Cũng có chỗ gần lung bàu, kinh rạch ít phèn, trồng lúa được, nhưng chỉ vài mùa, chỗ đó xì phèn, phải kiếm chỗ khác. Mấy chục công ruộng nhà tui cặp bờ kinh, đã thành đất thuộc mà năm trúng, năm thất, bị phèn với chuột.

- Tụi tui được giao nhiệm vụ khai hoang cánh đồng này. Nghe chú nói vậy, không biết tính sao.

Chú Tám cười hề hề:

- Có gì khó. Hoạn dưỡng ba cây năn, lác. Năn lấy củ, lác lấy lá lợp nhà.

- Chú nói giỡn hoài.

- Có một thứ cây trồng được ở đất này, vừa ăn chắc, vừa hạ phèn, nhưng phải lâu mới có huê lợi.

- Cây gì vậy chú?

- Tràm.

- Trồng kiểu nào?

- Khi mưa sa, đem hột tràm ra sạ.

- Sạ thí lên năn lác hả?

- Sạ kiểu đó thì ăn nhằm gì. Dọn hết năn lát rồi sạ. Chừng ba tháng sau, nước tràn đồng, lúc đó tràm đã lên cây.

 

- Nãy giờ ngoại kể chuyện gì vậy?

- Chuyện chuột đó mà.

- Sao ngoại lại khóc?

 

... Trong hội trường cất bằng gáo, tràm, mái lợp năn, lác khô, chưa dừng vách, đội viên và chú Tám ngồi trên những băng ghế bằng nhánh tràm, gáo ghép lại, chuẩn bị làm lễ truy điệu cho đội viên Tùng.

- Anh em đủ hết chưa?

- Thiện với Hiệp đang bị sốt rét, nằm trùm mền dưới trại.

Tiểu đoàn trưởng cất giọng run run:

- Đồng chí Tùng muốn đi bộ đội để bảo vệ biên giới, nhưng vì không đủ điều kiện nên tình nguyện tham gia thanh niên xung phong. 3 năm qua, Tùng đã cùng anh em mình đi khai hoang, từ đất bãi bồi ở cồn Trọc, rạch Cây Dông, kinh Mương Trâu. Vô đây, nơi khó khăn nhứt từ trước tới giờ, nhưng Tùng vẫn cùng anh em đồng cam cộng khổ. Được phân công đi lên kinh Một coi đất địa ra sao, kết hợp kiếm thức ăn cải thiện, Tùng bị rắn cắn khi đào chuột. Đường xá xa xôi, xuồng ghe cách trở nên không cứu kịp. Tùng qua đời cũng vì muốn vùng đất hoang này thành vùng đất xanh, xanh như màu áo thanh niên xung phong. Đó cũng là mong muốn của anh em mình. Chúng ta sẽ phủ xanh cánh đồng hoang này bằng cách trồng tràm.

Hướng về phía chú Tám, Tiểu đoàn trưởng nói:

- Nhờ chú Tám chỉ giúp anh em cách dọn đất, trồng tràm.

Tràm dần phủ xanh cánh đồng hoang.

 

Lẫn trong màu xanh bạt ngàn của rừng tràm là màu xanh của năn, lác, màu tím của súng, màu hồng của sen. Hương rừng hòa quyện bởi hương tràm, hương súng, hương sen và đủ thứ hoa cỏ dại.

Chim cò rợp trời bay đi tìm mồi hoặc về nơi trú ngụ. Đàn trích thơ thẩn móc củ năn. Tiếng cá quẫy, đớp mồi dưới kinh như nước cơm sôi.

Chú Tám chạy xe máy vào Ban quản lý rừng. Phía trước hội trường cất bằng tràm, lợp đưng, rộng rãi, khang trang, hàng mai vàng đã bung cánh.

- Bữa nay lên đây mời mấy chú mốt vô nhà tui ăn Tết sớm với mừng nhà mới.

- Chúc mừng chú.

- Ráng với người ta, sau này có theo ông, theo bà cũng được tiếng chết ở nhà lầu. Nhà cửa xong hết, bữa qua mới có điện, có nước máy. Thằng cháu nội đi xe hơi về, cho cái truyền hình tổ bố.

- Chú sướng quá rồi.

- Cũng phải đổi đời chớ, mà đâu phải riêng mình tui. Cũng nhờ rừng tràm này mà ruộng đất quanh đây không còn bị phèn, chuột cũng bớt, bà con mới khấm khá lên.

- Mời chú vô nhà uống nước.

- Ngồi ngoài này cho mát.

Ngồi xuống bộ ghế bằng tràm, bạch đàn ghép lại dưới tán cây tràm gộc, chú nói:

- Tui nay đã cổ lai hy, cây tràm này còn lớn tuổi hơn tui.

Cầm chai rượu lên xăm xoi, chú hỏi:

- Rượu mật ong hả? Sao không thấy món chim cò. Mấy chú kẹo quá.

- Chú thông cảm, phải bảo vệ. Đất có lành chim mới đậu mà chú.

- Nói chơi vậy thôi. Hổm rày khách đông không?

- Cũng khá.

- Ờ, nghe nói mấy chú đem chuột ra đãi Tây, nói là đặc sản, còn đặt tên là sóc tràm gì đó?

- Đặc sản thiệt mà chú.

- Đặc sản gì. Chuột chỗ nào hổng có.

- Nhưng chuột ở đây đặc biệt. Nó sống trong rừng tràm, ăn bông tràm, ngó sen, củ năn, trứng chim, đặt tên sóc tràm là vậy. Muốn bắt nó đâu phải dễ.

- Có gì khó.

- Gài rập lâu lâu mới dính một con. Rải thuốc thì ăn sao được, lại ảnh hưởng cá tôm. Đào hang thì bể bờ. Dùng chĩa, dàn thun săn mấy con trốn trên đọt tràm thì động tới chim cò.

- Khó dữ vậy sao?

 

- Ngoại nói gì vậy?

- Chuột phá hoại đủ thứ, truyền dịch bệnh, giỏi ẩn núp, nham hiểm, như lão trọc phú ngày xưa, cho nên phải tận diệt nó, nhưng nếu diệt chuột mà sợ bể đồ thì làm sao tận diệt được?

- Ngoại nói gì con còn không hiểu, nói chi mấy nhóc này.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn