Dấu ấn tại lễ giỗ lần thứ 90 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật ngày: 25/11/2019 10:07:48

ĐTO - Từ ngày 20 - 23/11 (nhằm ngày 24 - 27 tháng 10 năm Kỷ Hợi), UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 90 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đối với đạo đức và công lao của cụ Phó bảng - một nhà nho yêu nước, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp – Đất Sen hồng.


Các đại biểu nguyên lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh thắp hương tại Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Một nhà nho yêu nước

Theo một số tài liệu ghi chép, Nguyễn Sinh Sắc sinh năm Nhâm Tuất (năm 1862) tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là Nguyễn Sinh Nhậm, mẹ là Hà Thị Hy. Lên 3 tuổi mồ côi cha, 4 tuổi mẹ qua đời, phải về ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ. Năm 16 tuổi, cậu được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (làng Chùa) nhận về nuôi dạy. Với bản tính hiếu học, thông minh nên cậu trở thành học trò giỏi có tiếng trong vùng. Đến năm 22 tuổi (năm 1883), cậu được nhà nho Hoàng Xuân Đường gả cô con gái lớn là Hoàng Thị Loan. Lần lượt hạ sinh 4 người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (mất lúc nhỏ). Năm Giáp Ngọ (năm 1894), cụ đỗ Cử nhân, năm Tân Sửu (năm 1901), cụ đỗ Phó bảng và năm 1906 nhậm chức “Thừa Biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định).

Trong thời gian làm quan, cụ tìm gặp và kết thâm giao với các nhà nho yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương Thúc Quý, Trương Gia Mô... Cụ luôn đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào ác bá. Vì vậy, từ vụ án một tên cường hào bị cụ bắt giam, sau đó thả về không lâu thì chết, cụ Sắc bị Triều đình giáng cấp dưới hình thức “cải bổ kinh chức” (tức là đổi về làm quan tại kinh đô). Từ quan, cụ đi vào các tỉnh phía Nam. Nam bộ là vùng đất mới phóng khoáng “Trọng nghĩa khinh tài” nên cụ đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thành phần ở những nơi cụ đến: Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp... và sang tận Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân. Năm 1917 và nhiều năm sau, cụ thường lui tới hoạt động ở làng Hòa An, Cao Lãnh tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân. Cụ mất vào ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ nhằm ngày 27 tháng 11 năm 1929 dương lịch, tại làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp, hưởng thọ 67 tuổi.


Tranh tài môn thể dục dưỡng sinh tại Hội thao người cao tuổi

Nhiều hoạt động mang đậm nét truyền thống

Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đã được tổ chức, góp phần phục vụ đông đảo bà con vùng đất Hòa An - Cao Lãnh nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung, du khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ cụ và tham quan thưởng lãm tại khu di tích. Một trong những nét đặc sắc của phần hội là các hoạt động triển lãm hình ảnh, tư liệu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: “Cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng”; “Châu bản triều Nguyễn về công cuộc chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp”; “Những nơi lưu dấu chân cụ Phó bảng”; xuất bản Ấn phẩm “Đồng Tháp Xưa và Nay”- chuyên đề về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, hay tái hiện làng Hòa An xưa gắn với hình ảnh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân tại làng Hòa An xưa...

Trong thời gian diễn ra lễ giỗ, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long tổ chức chương trình nghệ thuật giao lưu hát dân ca và đờn ca tài tử. Thông qua hoạt động không chỉ tạo sự gắn kết giữa Đồng Tháp với các tỉnh bạn mà còn góp phần giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh Đồng Tháp đến với đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh. Giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ học sinh Đất Sen hồng, Thư viện tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động như: Thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức”; triển lãm tranh vẽ thiếu nhi; thi đọc sách chủ đề “Tìm hiểu về cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”; hội thi thiếu nhi vẽ tranh theo sách chủ đề “Đồng Tháp quê hương em”..., thu hút đông đảo người dân tham gia.


Tái hiện hình ảnh ông Đồ thư pháp phục vụ khách tham quan lễ giỗ

Ghi nhớ đạo đức và công lao cụ Phó bảng

Cùng về dự lễ giỗ ông Nguyễn Sinh Tuấn (SN 1933) – đại diện thân tộc Nguyễn Sinh. Từ Nghệ An xa xôi, ông Tuấn cùng những người thân trong dòng tộc về Đồng Tháp từ trước ngày diễn ra lễ giỗ để viếng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc và thăm hỏi những gia đình có người thân từng tham gia chăm sóc cụ Sắc trong những năm tháng cuối đời. Không giấu sự xúc động, ông Tuấn chia sẻ: “Từ năm 1975 đến nay, năm nào tôi cũng về Đồng Tháp dịp lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Năm nay, về dự lễ giỗ lần thứ 90 của cụ, tôi thấy rất vinh dự, phấn khởi khi thấy lãnh đạo tỉnh, nhân dân Đồng Tháp và đặc biệt là người dân Cao Lãnh luôn quan tâm chăm lo Khu mộ cụ ngày càng khang trang. Thay mặt dòng họ Nguyễn Sinh, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo tỉnh và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã dành nhiều tình cảm cho cụ Nguyễn Sinh Sắc”.


Hội thi Gia đình tiêu biểu (phần thi nấu ăn) – một trong những hoạt động trong khuôn khổ lễ giỗ

Ngoài người dân địa phương, tại lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn có đông đảo khách ngoài tỉnh. Chị Phan Thị Kim An – du khách đến từ tỉnh Long An nói: “So với các năm trước, năm nay, lễ giỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc được tổ chức quy mô, trang trọng hơn. Tại lễ giỗ còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật và các điểm ăn uống phục vụ du khách chu đáo, đó là điều ấn tượng với tôi khi đến lễ giỗ năm nay”. Chị Nguyễn Thị Lê Trinh đến từ Vĩnh Long chia sẻ: “Nghe tin tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, gia đình tôi đã đến thắp hương cho cụ, kết hợp với tham quan khu di tích. Chúng tôi thật sự ấn tượng với các nghi thức và hoạt động của lễ giỗ. Nhờ đến đây trong dịp trọng đại này, chúng tôi có dịp tìm hiểu và biết rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cũng như những hoạt động của cụ trong thời gian ở quê Nghệ An và cả khi vào làng Hòa An - Cao Lãnh ngày xưa. Qua đó ghi nhớ về đạo đức và công lao của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và đây thật sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa với gia đình tôi...”.

Ông Nguyễn Ngọc Thương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức lễ giỗ cho biết: “Năm nay là lễ giỗ lần thứ 90 của cụ Nguyễn Sinh Sắc, công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo với quy mô lớn, các hoạt động hội phục vụ cho lễ giỗ phong phú hơn như: hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thao... được tổ chức liên tục từ ngày 20 – 23/11. Lễ chính giỗ diễn ra vào sáng ngày 23/11 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Hợi). Nét mới của lễ giỗ năm nay là quy mô tổ chức được mở rộng so với các năm trước, nội dung được thực hiện tinh tế hơn, góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn của hoạt động...”.

NHÓM PV CT-XH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn