Đề cử Gò Tháp là Di sản văn hóa Thế giới
Cập nhật ngày: 03/09/2018 05:44:55
ĐTO - UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ đề cử UNESCO vinh danh Khu di tích (KDT) quốc gia đặc biệt Gò Tháp là Di sản văn hóa Thế giới.
Đông đảo người dân tham quan lễ hội Gò Tháp. Ảnh tư liệu
KDT Gò Tháp ở huyện Tháp Mười, được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đăc biệt vào năm 2012, với loại hình khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.
Qua nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu, chứng thực KDT Gò Tháp chứa đựng nhiều di chỉ văn hóa của vương quốc Phù Nam cổ xưa tồn tại cách nay trên 1.500 năm mà ngày nay các nhà khoa học khảo cổ gọi là văn hóa Óc Eo.
Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà khoa học đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, thăm dò và khai quật khảo cổ. Qua đó, đã tìm được hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như: đền thần, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác,… các di tích này được phát hiện trong tình trạng gần như nguyên vẹn trong lòng đất và được phân bố liền kề nhau trong quần thể các gò ở KDT Gò Tháp. Nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo cũng được tìm thấy ngay trong lòng các di tích này như: bộ sưu tập tượng thần Hindu giáo, bộ sưu tập tượng Phật gỗ,…
Bên cạnh các giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học và lịch sử, các di tích và di vật văn hóa Óc Eo ở KDT Gò Tháp còn đáp ứng được tính toàn vẹn và tính xác thực của Di sản văn hóa theo tiêu chí của UNESCO.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu trên, tỉnh cho rằng nếu bổ sung KDT Gò Tháp vào hồ sơ đề cử cùng với Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) sẽ tăng thêm tính toàn vẹn và tính xác thực của Di sản văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.
Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về di sản văn hoá Óc Eo đã có những đánh giá rất cao về KDT Gò Tháp, nơi đây được xem là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng và là thủ phủ của một tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam cổ xưa đã từng tồn tại ở vùng đất Nam bộ.
M.X