Mùa nước lụt!

Cập nhật ngày: 25/08/2014 04:49:55

Nếu ai đó hỏi tôi rằng, bạn nhớ gì ở quê mình nhất? Tôi sẽ trả lời: tôi nhớ những mùa nước lụt. Tuổi thơ tôi lớn lên, trưởng thành và nhiều kỉ niệm nhất là vào những tháng ngập lụt ở quê mình.

Nước lên nhanh và đột ngột, mới hôm qua chỉ tới mắt cá chân thì sáng ra đã gần đầu gối. Nước ngập trắng xóa cả ruộng đồng, ngập luôn cả con đường đất và sân trường, lũ con nít chúng tôi thích thú tập bơi xuồng, rồi đi chặt chuối làm bè, hay dùng thân chuối để học bơi, những cây trúc được chuốt tỉ mỉ và mắc dây làm cần. Mùa lụt không lo việc cá mắm, thằng em “sát cá” cứ ngồi một buổi là cả nhà có cá ăn, có khi ăn không hết hay tiếc những con cá to, mẹ đem ra chợ bán lấy tiền mua bó rau. Cả cánh đồng đầy nước, điên điển nở bông vàng rực, hoa súng thì tím cả một góc ao. Những bông trắng, vàng không biết tên chi cứ mọc khắp, ngồi trên xuồng thả theo chiều gió nhìn ngắm trời nước thì còn gì bằng. Chị em, bạn bè học cùng trường làng, cứ bì bõm lội nước tới lớp, riêng tôi lúc về được ba cõng. Năm nước lụt lớn nhất mà tuổi đời của tôi đã trải qua có lẽ là năm 2000. Năm ấy nhà kê cao mấy tấm ván, mấy cục gạch lớn mà còn không kịp nước lên, trong nhà đi tới đi lui cứ nghe “chũm, chũm”, chân lúc nào cũng đụng nước, mua kem bôi hoài mà vẫn bị nước ăn chân, đường xá thì toàn bơi xuồng, đến đi chợ ra đường lớn cũng phải dùng xuồng.

Năm ấy ông ngoại bệnh nặng. Có lẽ tôi không bao giờ quên những ngày tháng lụt lội đó và cũng mãi không quên được ông. Xuất viện rồi lại nhập viện, bệnh ông lúc thuyên giảm lúc lại nặng hơn. Căn bệnh lớn tim đã suýt lấy đi sinh mạng ông hồi mấy mươi năm trước, may nhờ một ông lang y tình cờ gặp được mà cứu sống khi bác sĩ đã nói bó tay, nhờ vậy mà có mẹ và các dì tôi bây giờ. Nhưng sự may trên đời đâu đến nhiều lần. Bị tai biến nặng nên ông không thể cử động, tụi con cháu chúng tôi hay ngồi bóp tay, bóp chân cho ông, xoa dầu nóng để ông đỡ nhức.

Lúc còn minh mẫn ông hay đùa: “Tụi bây bóp chân cho ông, mai mốt ông hết bệnh ông cho mỗi đứa miếng đất ngoài biển mà xây nhà”. Ấy vậy mà tụi tôi tin răm rắp. Nghĩ lại mới biết mình bị ông gạt. Còn riêng tôi thì hối hận nhất vì trước lúc ngoại bệnh đã có lúc tôi làm ngoại giận và buồn vì cái tội hấy nguýt và trả lời hổn láo với ngoại.

Ngoại bệnh nặng, khi ấy đúng vào mùa nước lụt. Mấy cậu đưa ngoại xuất viện trên chiếc xuồng mà tôi không rõ đã mua từ đời nào, chỉ biết nó to, dài và được chắp vá từ nhiều miếng ván, cũ mới đều có, trét dầu chai khắp đáy xuồng. Ông ngoại nằm trên đó, thân gầy và ánh mắt mờ đục hơn trước. Từ tây y đến đông y, rồi cúng vái thần thánh, tổ tiên mà bệnh của ông vẫn không hết. Tôi còn nhớ hôm bơi xuồng đi rước mấy bà thầy về cúng mong khỏi bệnh cho ông, tôi loay hoay làm xuồng xoay lòng vòng rồi mắc giữa hai cái mộ đá, giữa đồng không, trưa nắng, tôi sợ ma nhất, mãi cho đến lớn cứ nghĩ đến bơi xuồng là sợ mắc cạn ở mộ.

Rồi mùa nước lụt cũng qua, năm sau ngoại mất. Tôi không khóc, chẳng một giọt nước mắt nào. Mẹ đang bán ở chợ, nghe tin chạy về mà không kịp nhìn ông lần cuối, ông đi mà không nhìn được mặt con cháu và cả bà ngoại. Nhưng đêm đến tôi lại thấy buồn và nghĩ đến ông, nghĩ đến việc làm của mình trước đây. Một lần duy nhất, tôi nằm mơ thấy ông kể từ lúc ngoại mất. Cũng không hiểu vì sao, có lần tôi nghĩ chắc tại ngoại còn giận nên không muốn gặp tôi.

Cũng đã nhiều năm qua đi, mộ ngoại được di dời về gần nhà để cạnh con cháu. Quê tôi cũng không còn chịu cảnh ngập lụt nữa, thay da đổi thịt từng ngày, đi lên hiện đại văn minh. Nhưng trong kí ức của mình tôi luôn nghĩ về những cánh đồng trắng xóa nước và nghĩ mãi về ông. Nếu được làm lại mọi việc chắc chắn tôi sẽ không làm ngoại phải buồn.

Những dòng sông quê cứ theo năm tháng vơi rồi lại đầy, nhưng những mùa nước lụt trong kí ức tuổi thơ và hình bóng ngoại vẫn còn mãi, không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí tôi. Và, tôi vẫn nhớ mùa nước lụt năm ấy.

Huỳnh Lê

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn