Những hiện vật của cuộc gặp ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam

Cập nhật ngày: 09/03/2019 06:56:51

Cuốn sổ ghi chép, chiếc khăn rằn, những bài báo, cuốn sách nói về chiến tranh ở Việt Nam, bản tuyên bố chung giữa hai bên… tất cả đã được chủ nhân – nữ luật sư Nancy Hollander trao lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong cuộc hội ngộ đầy cảm động với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – người dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam của cuộc gặp ngày ấy.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và bà Nancy Hollander tại lễ trao tặng hiện vật

Ngày 13 đến 18/7/1965, lần đầu tiên có một cuộc gặp gỡ ngoại giao nhân dân giữa Phái đoàn phụ nữ Mỹ và Phái đoàn phụ nữ hai miền nam bắc của Việt Nam tại Jakarta, Indonesia. Nữ luật sư Nancy Hollander lúc đó là sinh viên và là thành viên trẻ tuổi nhất của Phái đoàn phụ nữ Mỹ. Bà đã lưu giữ hơn 450 tài liệu hiện vật bao gồm thư từ, báo cáo, sổ, sách, báo, tạp chí… ghi lại dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Phụ nữ Mỹ, Hội LHPN Việt Nam (miền Bắc) và Hội LHPN Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Đó là những tài liệu phản ánh rõ nét quan điểm, tiếng nói chung của phụ nữ hai quốc gia về chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, đồng thời nêu bật vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong nỗ lực ngoại giao, đàm phán vì hòa bình, độc lập tự do.


Bà Nancy Hollander tại lễ trao tặng hiện vật

Những hiện vật được bà Nancy giữ gìn hàng chục năm qua, lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam và được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Phụ nữ, tất cả quá trình này có sự đóng góp không nhỏ của một phụ nữ Mỹ khác: nhà văn Lady Borton. Bà chính là người kết nối cho cuộc trao tặng hiện vật này.

Năm 1969, lần đầu tiên nhà văn Mỹ Lady Borton đặt chân tới Việt Nam để thực hiện công việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Bà luôn thầm lặng thúc đẩy hòa bình trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Bà đã nhận được ba tấm bằng danh dự vì những đóng góp trong suốt 50 năm qua cho cả hai phía, trong và sau chiến tranh Việt Nam. Hiện tại bà vẫn tiếp tục các hoạt động giúp hai bên xây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn.


Tấm ảnh bà Nancy chụp với bà Nguyễn Thị Bình và bộ áo dài trắng của bà Bình mặc trong dịp gặp gỡ Phái đoàn phụ nữ Mỹ

Năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, có phái đoàn Mỹ sang Việt Nam gặp bà Nguyễn Thị Bình. Khi đó bà Lady đã tặng các thành viên phái đoàn cuốn sách “Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước” của bà dịch. Trong phái đoàn sang dự tại Việt Nam có ông James W.Russell, ông này đã viết thư cảm ơn nữ nhà văn và cho biết, trong cuốn sách có tấm hình bạn của ông, chính là nữ luật sư Nancy chụp cùng với bà Bình ở Jakarta, Indonesia năm 1965. Sau đó, ông James đã viết email cho bà Nancy kể về cuốn sách này. Bà Nancy đã tìm mua cuốn sách và xin ông James địa chỉ email của bà Lady. Hai người kết nối email với nhau để hỏi về người bạn chung là bà Bình.

Sau đó bà Nancy cho bà Lady biết bà còn giữ một số tài liệu, hiện vật của phái đoàn Việt Nam mang đến hội nghị ở Jakarta năm 1965 và một số tài liệu gửi theo đường bưu điện sau đó, nhưng bà không biết tặng cho ai. Bà Lady đã gợi ý và kết nối để bà Nancy trao tặng những hiện vật, tài liệu này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… Đồng thời chính bà Lady Borton cũng là người vận chuyển khối tài liệu, hiện vật này từ Mỹ sang Việt Nam. Bà cũng là người đồng hành cùng các cán bộ Bảo tàng bước đầu nghiên cứu, phân loại, lập danh mục, xác minh nội dung lịch sử của hiện vật tư liệu.

Đây cũng là lần đầu tiên bà Nancy công bố và trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn Bảo tàng lưu giữ những tài liệu quý giá này và giới thiệu rộng rãi tới công chúng thông qua các triển lãm và hoạt động giáo dục, truyền thông.

Điều đặc biệt của cuộc trao tặng hiện vật, là cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách giữa nữ luật sư Nancy Hollander với những người bạn Việt Nam, cũng là thành viên của Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam trong cuộc gặp mặt tại Indonesia năm ấy - bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng phái đoàn phụ nữ miền Nam Việt Nam ngày ấy. Đi cùng bà Nancy sang Việt Nam lần này, còn có anh trai của bà, người đã từng quyên góp ủng hộ tiền để phái đoàn phụ nữ Mỹ thực hiện chuyến đi đến Jakarta năm 1965.

“Trong cuộc gặp năm 1965, chúng tôi từng nói ngày nào đó sẽ gặp lại nhau trong hoà bình. Và thật lâu sau ngày đó nay mới được gặp nhau, nhưng tôi rất vui vì đúng là chúng tôi gặp nhau trong hoà bình”, bà Nancy xúc động chia sẻ. Bà cũng cho biết, những kỷ vật này đã được bà gìn giữ rất cẩn thận, dù đã bốn lần chuyển nhà nhưng bà vẫn luôn mang theo những hiện vật này với tâm nguyện một ngày nào đó sẽ mang chúng trở lại Việt Nam để các thế hệ sau được biết.


Bà Nguyễn Thị Bình xem lại những tài liệu, hiện vật của mình năm xưa

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có mặt rất sớm tại cuộc trao tặng kỷ vật. Bà đã vô cùng xúc động khi gặp lại người bạn cũ cùng những kỷ vật của mình, trong đó có chiếc khăn rằn mang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học tàn sát nhân dân”.

Kể về cuộc gặp gỡ năm đó, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Cuộc gặp năm 1965 quan trọng vì là cuộc tiếp xúc đầu tiên của phụ nữ và nhân dân hai nước, mở ra nhiều cuộc gặp gỡ hơn ở các giới và tầng lớp khác nhau”. Bà Nguyễn Thị Bình cũng chia sẻ rằng, nhiều nơi trên thế giới chưa thực sự có hòa bình, “vì vậy phụ nữ đấu tranh bảo vệ hòa bình, cuộc sống của chúng ta và con em chúng ta”.

TUYẾT LOAN (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn