Thư pháp Việt - nét đẹp văn hóa ngày xuân
Cập nhật ngày: 12/02/2019 10:34:03
ĐTO - Hương vị thưởng thức ngày Tết cổ truyền của ông cha ta ngày xưa gói gọn trong hai câu đối: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ngày nay, hình ảnh ông đồ già ngồi cho chữ không còn nữa, thay vào đó là những nhà “Thư pháp Việt” tuổi đời còn rất trẻ, đầy năng động trong các bộ áo dài, khăn đóng ngồi trong các dãy phố ông đồ vẽ tranh, viết thư pháp phục vụ khách du xuân.
Thư pháp không chỉ thu hút người lớn mà nhiều trẻ em cũng thích thú đến xem
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống, tôn sư trọng đạo, tôn trọng chữ nghĩa thánh hiền. Xưa kia, ông cha ta viết thư pháp theo Hán tự. Khi xuân về, Tết đến, hình ảnh ông đồ ngồi viết câu đối là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, môn “Thư pháp Việt” đã làm được cầu nối giữa hai nền văn hóa cổ kim của dân tộc, làm sống lại hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ ngày xuân. Các Thư pháp gia trẻ tuổi ngày nay bằng nhiều bút pháp khác nhau đã nâng tầm nét chữ Việt trở thành một bộ môn nghệ thuật đầy sáng tạo, độc đáo được dân chúng ưa thích. Có rất nhiều bức thư pháp Việt được treo trang trọng ở phòng khách của nhiều gia đình, vì đó là nét chữ đẹp, như bức tranh có giá trị về mặt nghệ thuật, có nội dung mang tính giáo dục con cháu, ngoài ra còn có ý nghĩa cầu mong sự may mắn trong gia đạo, trong việc làm ăn.
Muốn thực hiện được một tác phẩm thư pháp đẹp, làm say đắm lòng người, người viết thư pháp phải trải qua một thời gian dài khổ luyện, phải nắm được tiêu chí cơ bản về đường nét, bố cục. Khi viết thư pháp phải đạt được trạng thái bình tâm, tĩnh khí thì nét bút mới thể hiện được sự ổn định trong tư tưởng, mềm mại nhưng không lỏng lẻo, cứng cỏi nhưng không khô khan, có cương có nhu. Đó chính là phần hồn của một bức thư pháp.
Người viết có tâm hồn hòa ái, sự kiên trì nhẫn nại, hay tính nóng vội, tự cao đều thể hiện ra nét bút của mình. Do vậy, người Nhật không chỉ coi thư pháp là một bộ môn nghệ thuật mà còn là một phương pháp để tu dưỡng tâm tính, đạo lý làm người, họ nâng thư pháp lên thành một pháp môn cao cấp gọi là Thư đạo, ngang hàng với các môn Trà đạo, Kiếm đạo, Nhu đạo...
Là một người luyện võ nhưng Võ sư Lê Thanh Vĩnh lại đam mê và rèn luyện thành công bộ môn nghệ thuật thư pháp. “Tôi có cơ duyên được luyện tập và truyền bá môn Judo - môn quốc võ của Nhật Bản suốt cả cuộc đời mình, tuy vậy ngay từ nhỏ tôi còn có đam mê về văn học, nghệ thuật. Do vậy, khi đã lớn tuổi, có thời gian, tôi mới theo đuổi được việc mình ham thích, đó là môn thư họa. Tôi theo học thư pháp và vẽ tranh thủy mặc cùng một lúc sau khi nghỉ hưu. Hơn 10 năm theo luyện thư pháp, tôi ngồi viết lại nhiều áng văn thơ kim cổ của nhiều danh nhân, những áng văn thơ này chuyên chở biết bao đạo lý, tình người, bao lời hay ý đẹp... Chính những tư tưởng này hằng ngày, hằng tháng từ từ thâm nhập vào tâm tư tôi, như một năng lượng mới, đã cảm hóa và thay đổi bản tính trong tôi. Tôi trở nên bớt nóng giận, bớt sự hơn thua của con nhà võ... Tôi trở nên yêu thích sự chia sẻ với bạn bè, với cộng đồng, thích sự hòa ái trong cuộc sống, tôn trọng thiên nhiên và đời sống các sinh vật... Việc hằng ngày ngồi viết thư pháp đối với tôi là để tu luyện tâm tính, để đưa tâm mình đến một cảnh giới bình an” – Võ sư, Nhà thư pháp Lê Thanh Vĩnh chia sẻ.
Những năm gần đây, vào các dịp lễ hội, hay Tết cổ truyền của dân tộc, hình ảnh “ông đồ” ngồi cho chữ đã trở thành quen thuộc với mỗi người dân Đồng Tháp... Hơn 7 năm qua, những ông đồ trẻ thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Sen Việt tỉnh Đồng Tháp đều tổ chức triển lãm, cho chữ thư pháp phục vụ công chúng vào dịp Tết hằng năm và nhân ngày giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đây là hoạt động thường niên của những người yêu chữ mong muốn trao đổi kinh nghiệm, rèn cách viết.
CLB thư pháp Sen Việt hiện có 17 thành viên, đều là người yêu thích thư pháp cùng nhau tự mày mò học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thú chơi. Dịp Tết, CLB phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các địa phương trong tỉnh tổ chức triển lãm hoặc tổ chức phố ông đồ như ở Hà Nội, TP.HCM để phục vụ dân chúng yêu thích thư pháp, tạo nên cảnh sắc sống động, ý nghĩa trong những ngày xuân. Ngoài ra, CLB còn mở các lớp dạy thư pháp thu hút hàng trăm ngòi bút trẻ đam mê nghệ thuật theo học.
Họa sĩ Dương Quản Đại - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Đồng Tháp cho rằng: “Sự ra đời và đi vào hoạt động của CLB thư pháp Sen Việt không chỉ có ý nghĩa lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn khôi phục và làm phong phú thêm cái đẹp tinh túy, văn hóa của cha ông, nhất là mỗi dịp Xuân về. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho CLB Thư pháp Sen Việt tổ chức các cuộc thi viết thư pháp, mở các lớp dạy thư pháp,... để đưa thư pháp đến gần hơn với công chúng”...
Ngày Tết, cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của đất trời thì những dòng thư pháp mà các ông đồ CLB Thư pháp Sen Việt gửi lời, gửi ý trong câu đối, câu chúc Tết cũng là một trong những món quà tinh thần biểu thị cho ước vọng đầu năm.
Song Ngân