Văn hóa vậy sao?
Cập nhật ngày: 07/09/2018 10:19:57
Mới rồi, Tư tôi đi dự một đám cưới ở nông thôn. Tất nhiên đám cưới tổ chức tại nhà và ngày nay không có mấy khác biệt giữa nông thôn và thành thị: nam mặc đồ tây, nữ mặc đầm nhiều hơn, cũng phấn son, cũng dàn nhạc sống... Song có 2 điều Tư tôi thấy có điểm khác biệt. Đó là quá sá nhiều rượu đế (vì đa số dân nông thôn không mấy mặn mà với bia) và quá trời ồn ào.
Vào tiệc, cánh đàn ông, trẻ có, sồn sồn cả già cũng có đều sẵn sàng “vô”, “trăm phần trăm”! cho nên không đến nửa tiệc thì mặt ai cũng là “cháu Quan Công” và tất nhiên “rượu vào thì lời ra”. Ai cũng nói, tranh nhau nói, ngồi nói rồi đứng dậy vung tay nói, ai cũng muốn người khác phải nghe được tiếng nói của mình, vì vậy cả 10 người chung bàn cùng nói một lúc, cả chục bàn cùng rộ lên như vậy (trừ bàn các bà, các cô) nên ồn ào hơn nhóm chợ.
Lại thêm hai cụm thùng loa cùng lúc phát ra tiếng nhạc, tiếng hát mở hết công suất, cộng hưởng tạo nên một bầu không khí ầm ào không thua bom bừa do máy B.52 rải xuống... Lại suýt đánh nhau vì người muốn ngừng phát nhạc qua loa để bà con lâu ngày có dịp gặp nhau được chuyện trò, với quý vị ủng hộ “đám cưới phải vui” tức là phải mở hết công suất dàn loa để hét, để la cho đã!
Tư tôi ngồi ăn mà nuốt không vô. Đám cưới là một biểu hiện của văn hóa, ở đây nhìn mặt người, trong cảnh tượng lộn xộn, rối mắt, lỗ tai chứa không nổi âm thanh, mùi rượu từ những cái nòng đại bác bắn ra, chưa nói đến cứ khạc nhổ tại chỗ và dù có bác sĩ có kính hiển vi hiện đại cũng không đo đếm được có bao nhiêu vi trùng được phun ra phủ xuống bàn thức ăn... Văn hóa là vậy sao?
Tư tôi có hỏi thằng cháu: Đám này cháu mua cỡ 20 lít rượu không? Nó hứ một tiếng: 80 lít người ta còn chê ít, ông nói 20! Tư tôi hỏi tiếp: cháu không thuê dàn nhạc sống được không? Nó hự một tiếng: Bây giờ đám gì cũng phải có dàn nhạc. Không có người ta chê mình quê, là lạc hậu, lỗi thời.
Tư tôi chỉ biết lắc đầu, thở dài: Văn hóa là vậy sao?
Tư Rèn