Web drama Việt: Cơm còn sạn

Cập nhật ngày: 30/06/2019 16:36:35

Từ chỗ là sân chơi của các nhóm sáng tạo trẻ và một số ít nghệ sĩ, web drama Việt hiện đang chứng kiến cuộc đua của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. 

Nhập cuộc ồ ạt

Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, có ít nhất 4 web drama ra mắt khán giả. Ngày 14-6, tập đầu tiên series Bệnh viện thần ái với sự tham gia của dàn diễn viên: Thúy Ngân, Xuân Nghị, Quang Trung, Nam Anh, Kim Nhã… được khởi chiếu. Ngày 17-6, diễn viên Nam Thư ra mắt Ai là người thứ 3, trong khi nhóm FAPTV trình làng Sạc pin trái tim.

Ngày 19-6, tập đầu tiên trong series Trật tự mới của nghệ sĩ Việt Hương cũng chính thức có mặt trên YouTube. Đó chỉ là 4 series nổi bật và mới nhất giữa “rừng” web drama liên tục được sản xuất, phát miễn phí cho khán giả xem. Mỗi tác phẩm đều thu hút hàng triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận sôi nổi.


Việt Hương (giữa) vừa ra mắt web drama "Trật tự mới"

Thị trường web drama Việt đang ở giai đoạn nở nồi khi các nghệ sĩ ngày một nhập cuộc ồ ạt. Những cái tên: Việt Hương, Thu Trang, Huỳnh Lập, Quách Ngọc Tuyên, Nam Thư… liên tiếp đầu tư các series mới. Nếu tinh ý, khán giả thấy rõ sự phân tách về xu hướng, sân chơi ngày một rõ rệt.

Nếu chủ đề về học đường, vườn trường, thanh xuân vẫn được xem là thế mạnh của các nhóm sáng tạo trẻ như: FAPTV, La La School, MoWo…, thì đề tài về thế giới ngầm hay cổ trang là địa hạt của các nghệ sĩ lớn. Các phim về giới xã hội đen ồ ạt ra mắt và hiện vẫn giữ sức nóng như: Thập Tam Muội, Tay buôn, buông tay?, Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ, Chết thì chịu, Người trong giang hồ

“Mỗi nhóm làm phim, đơn vị sản xuất hay nghệ sĩ có sáng tạo riêng, tự tạo cho mình dấu ấn nhất định giữa thị trường đông đúc và cùng nhau thu về hàng triệu lượt xem”, đại diện một đơn vị kinh doanh nội dung giải trí trực tuyến cho biết.

Trong cuộc đua này, kinh phí thực hiện mỗi ngày một tăng. Từ những phim ngắn trực tuyến với kinh phí vài triệu đồng, nhiều web drama hiện có kinh phí tiền tỷ. Theo đại diện nhà sản xuất Bệnh viện thần ái gồm16 tập mỗi tập có kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Dự án này còn thuê hẳn cố vấn diễn xuất người Hàn Quốc là Choi Hansol hỗ trợ.

Nhiều ê kíp đều khẳng định, dù phát miễn phí trên YouTube nhưng họ mong muốn thực hiện được những thước phim đậm chất điện ảnh. “Đã làm thì làm cho tới, vì nếu ra sản phẩm không chỉn chu chẳng khác nào không tôn trọng người xem. Lúc đó sẽ chẳng ai ủng hộ mình nữa”, diễn viên Nam Thư cho biết.

Ranh giới mong manh

Nếu ở thời điểm 2012, phim chiếu mạng ở mức chất lượng “vui là chính” thì nay hầu hết những đơn vị sản xuất cũng như nghệ sĩ làm web drama đều phải thừa nhận, khán giả đã khắt khe hơn trước rất nhiều. Yêu cầu đầu tiên là chất lượng hình ảnh phải đẹp, nội dung có chiều sâu, mới lạ, bắt kịp trào lưu và đặc biệt miếng hài và tình tiết hành động phải bất ngờ.

Còn theo đạo diễn Văn Công Viễn: “Với Bệnh viện thần ái, tôi thấy cái khó là làm sao tạo được nhiều tình tiết để giữ chân khán giả xuyên suốt các tập phim. Đặc biệt, đây là dự án chiếu trên mạng nên thu hút lượng lớn khán giả đa dạng ở nhiều lứa tuổi khác nhau”.

Khán giả tất nhiên là người hưởng lợi nhiều nhất vì có thêm lựa chọn và tất cả đều miễn phí. Tuy nhiên, ngoài vấn đề bản quyền, câu chuyện nội dung của các web drama vẫn là những tranh cãi chưa hồi kết. Việc không phải trải qua các khâu kiểm duyệt vừa là lợi thế của web drama so với phim điện ảnh, truyền hình, nhưng nó cũng là kẽ hở khiến nhiều sản phẩm không chất lượng, thực hiện cẩu thả. Khi xu thế các phim về giới xã hội đen, hot girl bùng nổ, câu hỏi được đặt ra, liệu những bộ phim ở mảng nội dung này có hay chăng đang góp phần cổ xúy cho bạo lực, tình dục?

Nhiều phim có không ít cảnh ăn mặc hở hang, đánh nhau, uống rượu, hút thuốc, sử dụng các loại vũ khí… một cách thoải mái mà không hề e ngại, bởi không phải qua “ải” kiểm duyệt. Nếu như phim điện ảnh có gắn nhãn theo từng độ tuổi, các web drama có thể thoải mái tiếp cận mọi đối tượng khán giả.

Một ví dụ điển hình cho thấy sự khác biệt này, đó là phiên bản Thập tam muội (web drama) và Chị Mười ba (phiên bản điện ảnh). Để qua cửa kiểm duyệt, dù đã gắn nhãn C18 (cấm khán giả dưới 18), Chị Mười ba cũng phải lái theo hướng “hài hóa” và tiết giảm tối đa mức độ của những phân cảnh đánh nhau giữa các băng đảng giang hồ.

Hiện nay, YouTube đã có những quy định tương đối cụ thể với các nội dung được đăng tải trên nền tảng này, như: không phải là nơi dành cho nội dung khiêu dâm; không được đăng video và nhận xét có nội dung lăng mạ; không nên đăng nội dung bạo lực hoặc đẫm máu nhằm mục đích gây sốc, tạo sự giật gân hoặc không có lý do chính đáng; không đăng các video khuyến khích người khác làm những việc có thể khiến họ bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em…

Tính năng gắn cờ hay giới hạn độ tuổi, báo cáo người dùng lạm dụng, báo cáo vi phạm, bảo mật… cũng được áp dụng nhưng với một nền tảng mở, mỗi giờ có hàng trăm giờ nội dung được đăng tải, việc kiểm soát này không thể triệt để. Kẽ hở đó cũng chính là vấn đề nhức nhối với các cơ quan chức năng. Những trường hợp bị xử phạt cũng chỉ như “muối bỏ bể”.

Khi các quy định về mặt pháp lý ở Việt Nam chưa thể giúp giải quyết triệt để vấn đề này trong một sớm một chiều, nhiều người cho rằng, khán giả chính là người có quyền quyết định lớn nhất. Trên thực tế, có những sản phẩm bị tố đạo, nhái hay thực hiện cẩu thả, sơ sài đã bị quay lưng. Nhưng, có một thực tế khác, nhiều web drama về đề tài xã hội đen, hot girl dù nhận nhiều ý kiến trái chiều vẫn thu hút hàng triệu, chục triệu lượt xem?

Lúc này có lẽ, trách nhiệm phải đặt lên vai chính các nhóm sáng tạo và các nghệ sĩ. Thành tích nút vàng, nút bạc của YouTube hay số tiền thu được từ các sản phẩm này liệu có phải là tiêu chí hàng đầu? Bản thân mỗi nghệ sĩ cần tự ý thức, sản phẩm của mình đã và đang có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến khán giả.

VĂN TUẤN (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn