Mùa bông gáo vàng - tập truyện ngắn thứ hai của Kim Thắm

Cập nhật ngày: 23/10/2023 08:59:47

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231023090312DT3-3.mp3

 

ĐTO - Với tôi, Kim Thắm là cây bút truyện ngắn sung sức và có nhiều thành công nhất ở Đồng Tháp hiện nay. Điều này không chỉ đúng khi trong vòng 4 - 5 năm, chị đã xuất bản 2 tập truyện ngắn đầy đặn, được đánh giá khá cao: “Gió thổi sau hè”, NXB Hội Nhà văn (năm 2020) và “Mùa bông gáo vàng”, NXB Hội Nhà văn (năm 2023), trong đó, tập trước đã đạt giải thưởng thường niên của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) mà còn ở phương diện, gần như cũng trong chừng ấy năm, Kim Thắm đã “ẵm trọn” giải Nhất tất cả các cuộc thi cấp tỉnh và TP Cao Lãnh (3 lần giải Nhất liên tiếp tại Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật và báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp chủ trì tổ chức (năm 2018; 2020; 2022); giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật do Hội Khoa học Lịch sử và Văn học Nghệ thuật thành phố tổ chức (năm 2023)...

“Mùa bông gáo vàng” dù chỉ có 13 tác phẩm, nhưng là tập hợp hầu hết các truyện ngắn đạt giải cao nói trên, nên chất lượng đồng đều và khá tốt. Nhìn chung, đề tài và chủ đề của cả tập truyện viết về những đặc sắc, độc đáo, ân tình, thủy chung của vùng đất và tính cách con người phương Nam, trong kháng chiến và hiện tại, nhất là ở vùng quê Bến Tre của tác giả cũng như tại Đồng Tháp - nơi chị đang dạy học.

Chỉ đọc tên một số truyện ngắn trong tập cũng phần nào nói lên điều đó: “Bến sa kê”; “Bìm bịp kêu chiều”; “Đất trổ bông”; “Gió cù lao”; “Mùa bông gáo vàng”; “Mùa gòn chín”...

Bút pháp và phong cách tự sự của Kim Thắm trong “Mùa bông gáo vàng”, theo tôi, vẫn điêu luyện, độc đáo trong sự hồn hậu, hiền lành mang đậm chất “phố - quê”. Tôi tạm dùng thuật ngữ này, bởi văn Kim Thắm chân chất nhưng không hề “Hai Lúa”. Văn của chị sang trọng trong cái đẹp của thiếu nữ dậy thì, e ấp nhưng ăm ắp khơi gợi. Kim Thắm viết mà như đang hội thoại, đàm đạo, trước hết với chính mình, kiểu “có sao viết vậy”, chữ cứ tự nhiên “tuôn ra”, dường như không hề có sự dụng công thái quá. Có lẽ vậy mà văn Kim Thắm “dễ thương” một cách lạ kỳ, đọc cuốn hút và không gây mệt.

Cốt truyện của hầu hết truyện ngắn Kim Thắm trong “Mùa bông gáo vàng”, theo tôi, chủ yếu được cấu trúc theo mô - típ: thời gian tuần tự trước sau + xen kẽ liên/hồi tưởng quá khứ. Truyện ngắn của Kim Thắm có đồng hiện, nhưng không nhiều. Dường như tư duy hồn hậu, chân chất trong chị đã tỏa chiết trên từng trang viết, nhất là trong cấu trúc cốt truyện, góp phần làm nên một phong cách tự sự giàu bản sắc.

Chi tiết trong truyện ngắn của Kim Thắm ở tập này, tiếp tục bộc lộ rõ lối tiếp cận, nắm bắt hiện thực cuộc sống một cách cụ thể, tinh nhạy và chọn lọc thể hiện vào tác phẩm rất đích đáng, thành công. Tôi ấn tượng nhất với truyện ngắn Kim Thắm nói chung, “Mùa bông gáo vàng” nói riêng là ở thao tác và quy trình thiết lập, phát triển không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật mang đậm cá tính sáng tạo và phong cách riêng của chị.

Truyện ngắn Kim Thắm chủ yếu hiện lên không gian miền quê Nam bộ hiền hòa nhưng độc đáo và cũng ẩn chứa không ít bất trắc. Điều này, nhiều cây bút truyện ngắn nơi đây đều có và cũng đã ít nhiều thành công (Nguyễn Lệ Ba với không gian con đường dằng dặc của một người bị tật bệnh; Hồ Văn với hai vùng đất cù lao Tân Thuận và Đồng Tháp Mười; Thanh Bình với “miền đất lở”... chẳng hạn). Với Kim Thắm, có không ít không gian nghệ thuật định hình, xuất hiện với tần suất tối đa trong nhiều tác phẩm, tạo ấn tượng mạnh như: cổ thụ của làng; con đường đất được “đan hóa”; bến quê; những nhân vật yếm thế; lớp trẻ nông thôn khởi nghiệp; cựu chiến binh... Định hình mà không nhàm lặp. Đó là ưu điểm của Kim Thắm. Một cây bút “trẻ” xác lập được cho văn mình một không gian nghệ thuật hiện hữu, quả thật, đó là thành công.

Tôi thích nhất mô - típ thời gian nghệ thuật hồi tưởng trong truyện ngắn Kim Thắm, nhất là những trường đoạn hồi tưởng của các cựu chiến binh đã từng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Ở “Mùa bông gáo vàng” cũng vậy. Dường như truyện ngắn nào của chị cũng xuất hiện điều này (chỉ kể 3 truyện ngắn đầu sách cũng đã thấy rõ: bác Ba “xung phong” nã đạn pằng pằng trong “Bến sa kê”; bác Ba thương binh loại 1 (ba của Thiệt) trong “Bìm bịp kêu chiều”; mối tình của cô Hoa và chú Năm liệt sĩ trong “Cho khói lên trời”...). Định hình một kiểu thời gian nghệ thuật trong tự sự không dễ. Bước đầu, Kim Thắm có được như vậy là kết quả đáng ghi nhận, xét từ phương diện thi pháp.

Trong “lời bạt” của tập truyện, cây bút lý luận Hồ Văn đã có nhận xét xác đáng, khi cho rằng, truyện ngắn Kim Thắm ăm ắp mùi vị, hương thơm và màu sắc “mê ly” của đất quê. Tôi đồng tình và coi đây cũng là một thành công của chị - một lối tự sự thấm đẫm chất thơ.

Hãy tìm đọc truyện ngắn Kim Thắm nói chung, “Mùa bông gáo vàng” nói riêng để cảm nhận hết cái hay và cảm xúc thú vị nơi một cây bút truyện ngắn tiêu biểu của Đồng Tháp.

TAO ĐÀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn