“Hiệp sĩ của người nghèo”

Cập nhật ngày: 28/02/2020 10:11:33

ĐTO - Đó là Phó Bí thư Đoàn xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự - Huỳnh Chí Trung. Ở tuổi 30, với tấm lòng nhân ái, chàng thanh niên này đã có gần 10 năm đồng hành và giúp đỡ nhiều mảnh đời nghèo, bất hạnh trên vùng đất cù lao quê mình. Trong mắt nhiều người dân ở Phú Thuận B, Huỳnh Chí Trung là “Hiệp sĩ của người nghèo”.


Huỳnh Chí Trung (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn đại biểu thanh niên ưu tú tỉnh Đồng Tháp tại Hà Nội

Nặng lòng với người nghèo

Qua phà Mười Đẩu, đến với cù lao Phú Thuận B, nhắc đến tên Chí Trung, bà con nơi đây hầu như ai cũng biết, có người thì nói đùa một cách thương yêu: là cái thằng thường mặc áo xanh hay lo chuyện “thiên hạ” chứ gì! Có người thì nói: “Cái thằng hiệp sĩ của người nghèo”.

Khi tôi thắc mắc về những “biệt danh” rất tình cảm mà bà con dành cho Trung thì có người bảo: Cô ở xa không biết, ở đây bà con nghèo nhờ nó dữ lắm. Nhiều trường hợp bệnh ngặt nghèo, đến bệnh viện rồi bất lực trở về vì không có tiền, nhờ nó mà có tiền vượt qua cơn thập tử nhất sinh. Nhiều đứa học trò dở dang việc học vì gia đình khó khăn nhờ nó mà bước được vào cánh cửa cao đẳng, đại học... Nó còn trẻ mà sống tử tế và thương người lắm. Ở xã này, Trung mà cưới vợ thì chắc cả xã đến chúc mừng!

Qua lời kể của mọi người, tôi quyết định tìm đến những nhân vật gặp khó khăn được Trung giúp đỡ để nghe họ nói về chàng “Hiệp sĩ của người nghèo”. Từ bến phà Mười Đẩu, chạy theo con lộ đá nông thôn hơn 3km, tôi tìm đến nhà cô Bùi Thị Ngọc Duyên ở ấp Phú Lợi A, một trong những người gặp hoàn cảnh rất bi đát đã được Trung giúp đỡ.

Cô Duyên chia sẻ về hoàn cảnh trước đây của mình, vào năm 2011, trên đường đi khám bệnh cô bị té xe, theo chẩn đoán của bệnh viện cô bị chấn thương cột sống và gãy xương sườn, phải làm phẫu thuật nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, cô đành trốn viện về nhà. Từ ngày đó, cô phải nằm 1 chỗ và mỗi ngày phải chịu cảnh bị đau nhức. Nghe mọi người nói về hoàn cảnh của cô, Trung đã đến tìm hiểu rồi dùng tài viết lách của mình đưa hoàn cảnh của cô lên mục nhịp cầu nhân ái của Báo Đồng Tháp để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Qua bài viết của Trung, cô Duyên đã nhận được tổng cộng hơn 40 triệu đồng của những người hảo tâm gửi giúp đỡ. Ngoài ra, từ mối quan hệ riêng của bản thân và với vai trò cán bộ Đoàn, Trung phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương vận động hỗ trợ cho cô Duyên được thêm gần 30 triệu đồng. Nhờ số tiền hỗ trợ đó mà cô Duyên đã làm phẫu thuật chữa trị thương tích, qua cơn nguy hiểm.

Sau cuộc phẫu thuật, cô Duyên thoát được cảnh bị đau đớn hàng ngày nhưng điều đáng buồn là cô vẫn không đi lại được. Người con trai của cô phải nghỉ việc trên TP.Hồ Chí Minh để về quê nuôi mẹ, kinh tế gia đình tiếp tục gặp khó khăn. Thế là Trung chạy vạy, giới thiệu cho con trai của cô đi chở nước thuê và bán tạp hóa nhỏ tại nhà để vừa lo cho mẹ vừa có thể kiếm tiền lo cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, Trung còn giúp cô làm thủ tục nhận hỗ trợ người khuyết tật, kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên 15kg hàng tháng cho gia đình cô sinh sống. Chia sẻ với chúng tôi về sự giúp đỡ của Trung đối với gia đình, cô Duyên xúc động nói: “Lúc trốn viện về nhà, tôi nghĩ chờ chết rồi, may nhờ có cháu Trung giúp đỡ tôi mới sống được tới giờ. Không ruột rà thân thích gì mà nó thương mẹ con tôi lắm, kể ra mẹ con tôi mắc nợ nó nhiều lắm”.

Cùng hoàn cảnh bệnh tật, không có tiền chữa trị vì chi phí 60 triệu đồng vượt quá khả năng, anh Bùi Văn No ở ấp Phú Lợi A đã phải bất lực trước những cơn đau của con vì căn bệnh khối u não. May thay với ngòi bút của Trung, gia đình anh No đã nhận được hơn 50 triệu đồng hỗ trợ từ các mạnh thường quân và bạn đọc của Báo Đồng Tháp. Cùng với 20 triệu đồng vay mượn từ bà con hàng xóm, anh No đã đưa con đi làm phẫu thuật.

Trong niềm vui con đã được khỏe mạnh, anh No chia sẻ: “Tính từ ngày phẫu thuật đến nay cũng hơn 2 năm rồi, con tôi giờ đã bình phục hoàn toàn. Nhớ ngày đó, vợ chồng tôi chạy đôn chạy đáo vay mượn nhưng bất lực vì số tiền quá lớn, trong khi vợ chồng tôi thì làm thuê, làm mướn, chỉ biết nhìn con mà khóc. Ngày đó không có bài viết của chú Trung, không có số tiền hỗ trợ của những nhà hảo tâm, không biết con tôi sẽ như thế nào. Chú Trung thật sự là người ân lớn của gia đình tôi. Chú Trung còn trẻ mà thương người lắm, thấy ai khổ là ra tay giúp đỡ. Ở xã này, không riêng gì gia đình tôi, chú Trung còn giúp đỡ nhiều người lắm”.

Theo lời giới thiệu của anh No, tôi tiếp tục gặp một hoàn cảnh được Trung giúp đỡ, đó là em Huỳnh Thị Kim Đào cũng ở ấp Phú Lợi A. Không giống hoàn cảnh bệnh tật như gia đình cô Duyên hay anh No, Đào học rất giỏi nhưng gia đình nghèo, em của Đào bị khuyết tật nằm một chỗ nên mẹ phải ở nhà chăm sóc. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền đè hết lên vai của ba Đào với nghề đào đất thuê. Tốt nghiệp THPT và đậu vào Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nhưng gia đình không lo nỗi chi phí cho em đi học nên Đào quyết định nghỉ học đi làm để phụ với ba lo cho gia đình.

Biết được hoàn cảnh của Đào, nghèo nhưng vượt khó học giỏi, Trung đã gởi bài viết về gương hiếu học của Đào lên Báo Đồng Tháp và Chương trình Thắp sáng ước mơ của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. Kết quả, Đào nhận được sự hỗ trợ với tổng số tiền là 58 triệu đồng. Với sự hỗ trợ đó, Đào đã được trở lại trường tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình và hiện đang là sinh viên năm thứ 2. Chị Đoàn Thị Hết, mẹ của Đào bộc bạch: “Nhờ có chú Trung giúp, không thì giờ Đào cũng chỉ biết đi làm mướn, làm thuê. Đào được đi học lại, tôi với ba nó mừng lắm, nhà không có ruộng đất chỉ có con đường học để sau này có cái nghề mới thoát được nghèo”.


Huỳnh Chí Trung trao gạo của mạnh thường quân hỗ trợ cho hộ nghèo

Chỉ là việc nên làm

Rời khỏi nhà Kim Đào, kết thúc một vòng thực tế để nghe mọi người nói về chàng “Hiệp sĩ của người nghèo”. Lòng tôi dâng trào niềm cảm kích và nôn nao gặp chàng hiệp sĩ. Chàng hiệp sĩ của người nghèo xã Phú Thuận B đón tôi trước sân. Đó là một thanh niên còn rất trẻ, da ngâm đen, khoác trên mình màu áo thanh niên, vai mang chiếc ba lô to tướng mang dáng vẻ của một thanh niên năng động. Không ngăn được cảm xúc và sự tò mò, tôi vỗ nhẹ vào vai Trung hỏi: Chàng trai, điều gì đã gắn kết em với công tác xã hội với người nghèo khi em còn rất trẻ? Trung cười cười rồi nói, với em đây là việc nên làm, là niềm vui và trách nhiệm của người trẻ đối với cộng đồng.

Như giải thích thêm cho câu trả lời của Trung, chị Nguyễn Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận B nói: Chính nhờ nhận thức như vậy nên ngay từ những ngày đầu làm ở xã với vai trò là nhân viên bảo vệ thực vật và cộng tác viên phát thanh xã, Trung đã rất nhiệt huyết với công tác xã hội, nhất là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ngày đó, Trung không có điều kiện giúp của cải, em chỉ dùng năng lực của bản thân là khả năng viết lách để kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng. Hễ thấy hay nghe đâu đó có hoàn cảnh khó khăn là em đến tận nơi tìm hiểu, rồi viết bài gởi về các báo để kêu gọi giúp đỡ từ những người hảo tâm.

Và nhiệt huyết ấy càng nhân lên khi Huỳnh Chí Trung trở thành Phó Bí thư Đoàn xã Phú Thuận B vào năm 2015. Cùng các đoàn viên, thanh niên khác, Trung trăn trở suy nghĩ để triển khai nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa, trong đó nổi bật là công tác từ thiện xã hội. Tính từ năm 2011 đến nay đã có hàng chục hoàn cảnh khó khăn được Trung gởi về mục nhịp cầu nhân ái của các báo, đài. Mỗi hoàn cảnh đều nhận được sự hỗ trợ, nhiều thì cả trăm triệu ngoài, ít thì cũng vài chục triệu đồng.

Không những thế, với mối quan hệ cá nhân và vai trò cán bộ Đoàn, Trung thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động những nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng tiền quà, thẻ bảo hiểm, học bổng, tập sách và khám phát thuốc miễn phí... cho bà con nghèo trên địa bàn xã với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2016, trong xã có tới 19% hộ nghèo, đến nay chỉ còn 3,93% hộ nghèo (178 hộ). Có thể nói, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của chàng “Hiệp sĩ của người nghèo” Huỳnh Chí Trung.

Nói về những việc làm của mình, Trung chia sẻ: “Những việc làm trên xuất phát từ tấm lòng cũng là trách nhiệm của mình. Trong quá trình làm thiện nguyện, dù có vất vả nhưng khi thấy sự vui mừng của người nghèo nhận được hỗ trợ, tôi cảm thấy rất vui và lòng đầy ấm áp”. Không chỉ là cán bộ Đoàn, Trung còn là đảng viên trẻ nên luôn suy nghĩ mình phải làm việc có ích cho cộng đồng. Đây cũng là hoạt động thiết thực để lan tỏa phong trào “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” tại địa phương. Và đó cũng là việc học và làm theo Bác ở tình yêu thương con người, tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Với tinh thần làm việc như thế và những kết quả đạt được, năm 2018, Huỳnh Chí Trung đã nhận được Giấy chứng nhận thanh niên làm theo lời Bác giai đoạn 2016 – 2018 và Giải thưởng Kim Hồng năm 2019 của Tỉnh đoàn trao tặng. Đặc biệt, Huỳnh Chí Trung vinh dự là 1 trong 10 thanh niên ưu tú của Đồng Tháp được cử tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 tại thủ đô Hà Nội.

Mỗi người chỉ được sống một lần trên đời nên chúng ta cần phải sống thật tích cực, thật ý nghĩa để không phải hối tiếc. Và hãy sống hết mình với cách mà mình đã chọn lựa, như Huỳnh Chí Trung đã làm được điều đó. Mong rằng những cống hiến, việc làm của chàng “Hiệp sĩ của người nghèo” ngày càng được lan tỏa, để thắp lên những hành động đẹp, soi sáng và thúc giục những bạn trẻ sống hết mình với tấm lòng yêu thương vì cộng đồng.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn