Ma trận “tín dụng đen”

Bài 1: Rủi ro từ hình thức vay “tín dụng đen”

Cập nhật ngày: 10/12/2020 05:20:30

ĐTO - “Thủ tục đơn giản”, “chỉ cần alo là có tiền ngay”, “giải ngân trong ngày”, “cho vay không cần thế chấp”... là những lời mời gọi hấp dẫn của các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay vốn theo hình thức “tín dụng đen”. Do đó, nghe theo những lời mời gọi này, người vay sẽ được giải ngân ngay với số tiền từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng mà không cần thủ tục phức tạp. Song, đằng sau những lời mật ngọt đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người vay...


Lời mời quảng cáo của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” giăng bẫy trên đường phố

Khi “tín dụng đen” len lỏi vào cuộc sống

Dọc trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ hay các tuyến đường liên xã, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có thể bắt gặp những biển, tờ rơi rao vặt quảng cáo với những lời mời chào rót mật vào tai bằng những gói hỗ trợ tín dụng, vay vốn.

Theo Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đồng Tháp, thủ tục vay vốn theo hình thức “tín dụng đen” khá đơn giản với nhiều tiêu chí “không” như: không cần tài sản thế chấp, không phụ phí, không phí trước, không thẩm định... nhưng lại được nhận tiền nhanh chóng nên thu hút nhiều người có nhu cầu vay tiền. Trong đó, các đối tượng mà “tín dụng đen” nhắm đến là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn, người thất nghiệp, những người có nhu cầu cần tiền mặt gấp. Lấy phương thức hoạt động ở đâu cần tiền ở đó có “tín dụng đen”, lời mời quảng cáo còn được các đối tượng “tuyên truyền” nhiều ở các cây xăng, quán ăn hay sử dụng làm giấy gói bánh mì... đánh vào thị hiếu và nhu cầu của người cần vay.

Để tạo niềm tin cho người cần vay, các tổ chức, cá nhân “tín dụng đen” còn tự giới thiệu đến từ những ngân hàng, tổ chức lớn như: trực thuộc ngân hàng có nguồn vốn nước ngoài, tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính phi Chính phủ... nhưng không hề có tên tuổi của ngân hàng, địa chỉ cụ thể, trừ số điện thoại. Tiếp theo, để hoàn tất hồ sơ, các tổ chức, cá nhân cho vay chỉ làm hợp đồng thế chấp sổ hộ khẩu, chứng minh thư, giấy đăng ký xe môtô, bảo hiểm y tế. Đồng thời, hợp đồng được các tổ chức, cá nhân làm chỉ một bản và không ghi lãi suất. Các tổ chức, cá nhân “tín dụng đen” còn tinh vi hơn với các hình thức vay thông qua các phần mềm App điện thoại...

Khi hoàn tất hồ sơ, người vay có thể vay được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người vay. Việc đóng tiền lãi hàng tháng sẽ được thông báo trên điện thoại của người vay. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây là chiêu trò bẫy người vay tiền và lách luật của những tổ chức, cá nhân “tín dụng đen”. Bởi theo quy định, lãi suất tối đa không vượt quá 20%/năm, vì vậy các tổ chức, cá nhân này thường để mức thấp hơn. Thế nhưng, ngoài lãi suất, các tổ chức, cá nhân này tính rất nhiều khoản chi phí vào và khi cộng tổng lãi suất khủng có thể lên đến 1.000 - 2.000%/năm. 


Những tờ rơi của các đối tượng quảng cáo cho vay “tín dụng đen” bị lực lượng chức năng thu giữ

Thực tế cho thấy, những người vay “tín dụng đen” đều phải chịu hậu quả khôn lường, không những làm xáo trộn cuộc sống của bản thân mà còn liên lụy, ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Theo lời kể của anh N.V.C. ngụ huyện Lai Vung, năm 2019 do tình hình sản xuất cây ăn trái mất mùa, hoàn cảnh gia đình không may gặp rất nhiều khó khăn. Một lần đi chăm người thân trong bệnh viện, anh C. nhặt được mảnh giấy “Cho vay tài chính không thế chấp”. Đắn đo suy nghĩ, cuối cùng anh C. quyết định gọi cho số điện thoại ghi trên tờ giấy. Nghe đường dây bên kia giới thiệu thuộc tổ chức phi Chính phủ - được hướng dẫn photo giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu mang đến đúng địa điểm sẽ được một người tên H. giao hợp đồng và chỉ cần nhận tiền. Anh C. vay được 100 triệu đồng, cùng bản hợp đồng gồm 3 tờ giấy “Tôi chỉ kịp đọc được khoản đầu là vay 100 triệu  trong vòng 36 tháng mỗi tháng trả 5 triệu đồng rồi kí tên”.

Sau khi trả góp được 2 tháng, đến tháng thứ 3, anh C. trễ tiền góp 7 ngày, lần này bên cho vay không chỉ gọi điện nhắc đóng tiền như mọi khi mà cho người phá sập hàng rào, buộc anh phải trả tiền. Họ cho biết, nếu không có tiền trả thì nhập vào nợ như hợp đồng đã ghi, tháng sau, anh C. phải trả 6 triệu đồng/tháng... Cùng đường, anh C. quyết định bán miếng vườn để trả nợ. Theo hợp đồng anh C. ký là 36 tháng, nhưng anh mới vay trong 8 tháng xin kết thúc là vi phạm hợp đồng với họ nên toàn bộ tiền góp trước kia họ không tính. Chưa đầy 1 năm gia đình anh C. mất gần 50 triệu đồng vì “cho vay không thế chấp”.

Ông Vương Trí Phong - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, cùng với các hình thức vay “tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng đang có xu hướng tăng lên với nhiều hình thức đa dạng, tinh vi hơn để lừa đảo khách hàng. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng đã phát sinh một số trường hợp khách hàng bị lừa đảo vay vốn với những hình thức vay vốn qua app. Đối với từng trường hợp trên, các ngân hàng đã có sự phối hợp với cơ quan chức năng để hỗ trợ điều ra, làm rõ.


Đối tượng liên quan việc cho vay “tín dụng đen” bị lực lượng chức năng phát hiện và mời về làm việc

Hậu quả khôn lường từ vay “tín dụng đen”

Mặc dù các cấp, các ngành đã chung tay vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân về thủ đoạn, cũng như những hậu quả do loại tội phạm “tín dụng đen” gây ra. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít người dân tìm đến đối tượng cho vay “tín dụng đen” dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường...

Ông P.V.Q. ngụ huyện Lai Vung chia sẻ, mấy năm trước, vì đang cần tiền gấp do gia đình gặp khó khăn về tài chính nên trót vay của một đối tượng giới thiệu là người của một tổ chức thuộc Ngân hàng Quốc tế có địa chỉ ở TP.Hồ Chí Minh với số tiền 20 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng. Ông Q. kể, sau khi liên hệ, khoảng 2 ngày sau có thêm một người nữa liên hệ với ông và hướng dẫn cách nhận tiền. Theo đó, với số tiền vay 20 triệu đồng, mỗi ngày, ông Q. phải trả cho tổ chức này gần 100 ngàn đồng. Từ lúc ông Q. vay đến lúc trả xong trong thời gian 6 tháng, số tiền phải trả lãi hơn 10 triệu đồng. “Tôi nghĩ, đây chỉ là cái bẫy của bọn xấu giăng để đánh lừa những người cần tiền gấp như tôi”- ông Q. nói.

Tương tự, anh T. ngụ xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc do cần gấp tiền để chữa bệnh cho vợ nên anh đi vay nóng từ các đối tượng “tín dụng đen” số tiền 15 triệu đồng với kỳ hạn 3 tháng. Theo đó, khi hoàn tất thời gian chi trả 3 tháng thì số tiền lời anh T. phải trả hơn 7 triệu đồng. Tính cả vốn lẫn lời thì số tiền phải trả khá cao. “Sau lần dại dột này, tôi không bao giờ nghĩ tới việc vay tiền kiểu “tín dụng đen” nữa” – anh T. khẳng định.

Trường hợp chị L.T.M.T. ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò từng vướng vào “tín dụng đen”. Chị T. kể lại, khoảng năm 2018, khi còn là sinh viên, vì nông nổi nên chị tham gia vay không thế chấp qua một tài khoản Facebook do người quen giới thiệu. Từ tài khoản Facebook này, chị T. được một người tên H. hứa cho vay 20 triệu đồng và ngay ngày hôm sau nhận tiền. Khi nhận tiền, chị T. ký hợp đồng nhưng chủ quan không đọc kỹ nội dung điều khoản, chỉ biết là 20 triệu đồng trong 24 tháng, mỗi tháng trả lãi 2 triệu đồng. Đến tháng thứ 3, chị T. quá hạn trả lãi 10 ngày. Đến ngày thứ 10, bên cho vay đến báo quá hạn nên tiền lãi sẽ nhập vào nợ lên 22 triệu đồng mỗi tháng, tiền lãi phải trả là 2,5 triệu đồng/tháng. Lúc này, chị T. mới biết là trên hợp đồng có ghi chi tiết này nhưng lúc ký chị không xem kỹ. Cuối cùng, chị phải kết thúc hợp đồng trước thời gian vay, chị T. phải bồi thường hợp đồng 10 triệu đồng. Chỉ vì khoản vay 20 triệu đồng mà mất 61 triệu đồng trong vòng 1 năm, gấp 3 lần số tiền được vay.

Là địa phương xảy ra tình trạng “tín dụng đen” hoành hành, Đại tá Nguyễn Chí Công - Trưởng Công an TP.Sa Đéc cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Theo đó, các đối tượng này hoạt động trên phương thức lợi dụng kẽ hở pháp luật, núp bóng doanh nghiệp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, khó khăn về kinh tế của người dân để dụ dỗ, lôi kéo; một số vì nợ cờ bạc nên sẵn sàng vay tiền trả nợ dù biết lãi suất cao.

Đại tá Trần Văn Đoàn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm số đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm; tập trung trấn áp ngay khi chúng mới manh nha hoạt động, không để chúng có điều kiện hình thành và phát triển...

Theo ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, công tác đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” được ngành ngân hàng tỉnh Đồng Tháp triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Trong đó, ngành ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị liên quan đề ra các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các sản phẩm tín dụng ưu đãi đến các tầng lớp Nhân dân; triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm tại các tổ chức tín dụng; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho các cơ quan phục vụ điều tra các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn