Ma trận “tín dụng đen”

Bài 2: Giải quyết bài toán “tín dụng đen”

Cập nhật ngày: 13/12/2020 06:13:42

ĐTO - Thời gian qua, hình thức vay vốn kiểu “tín dụng đen” đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã vào cuộc và triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chặn đứng những chiếc “vòi bạch tuộc” tìm cách len lỏi vào cuộc sống người dân.

>> Bài 1: Rủi ro từ hình thức vay “tín dụng đen”


Để kéo giảm và hạn chế sự ảnh hưởng của “tín dụng đen”, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều gói vay ưu đãi người dân có nhu cầu vay vốn

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, ngăn chặn

Theo Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, đánh giá được tính chất phức tạp của “tín dụng đen”, Công an tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm kiềm chế, ngăn chặn, từng bước làm giảm loại hình hoạt động này. Trong đó, cơ quan chức năng đã tập trung chỉ đạo, rà soát đưa vào diện quản lý đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các cơ sở núp bóng; đồng thời triển khai tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Kết quả, từ 2019 đến nay, lực lượng đã triệt phá 40 vụ, với 89 đối tượng liên quan, thu giữ hơn 16.000 tờ rơi quảng cáo; thu giữ 700 hợp đồng vay, đặt cọc, thuê tài sản, cùng nhiều giấy tờ và công cụ liên quan.

Tại TP.Sa Đéc, những năm gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Theo đó, tội phạm liên quan đến việc cho vay vốn “tín dụng đen” lợi dụng kẽ hở pháp luật, núp bóng doanh nghiệp hoạt động; các cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật, khó khăn về kinh tế của người dân để dụ dỗ, lôi kéo; một số vì nợ cờ bạc nên sẵn sàng vay tiền trả nợ dù biết lãi suất cao. Khi người vay tiền trả không đúng hạn hoặc không khả năng chi trả sẽ bị phạt hoặc các đối tượng cho người đến nhà đe dọa, gọi điện thoại, đăng tin trên mạng khủng bố tinh thần, thậm chí có hành vi bắt giữ người, cố ý gây thương tích.

Theo Công an TP.Sa Đéc, trước tình hình trên, quán triệt chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố, lực lượng chức năng đã xác định hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nguyên nhân nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, do đó đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp đấu tranh cụ thể với loại tội phạm này. Đồng thời, tích cực tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ngành tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, ngăn chặn hoạt động cho vay, phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khuyến khích người dân tấn công, tố giác tội phạm. Chỉ đạo Công an phường, xã phối hợp các ngành, đoàn thể tháo gỡ tiêu hủy, quét vôi, sơn xóa các thông tin quảng cáo về hoạt động cho vay trái phép.


Công an tỉnh Đồng Tháp đã mở nhiều cuộc truy quét các nhóm đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”

Đại tá Nguyễn Chí Công - Trưởng Công an TP.Sa Đéc cho biết: “Thời gian qua, Công an TP.Sa Đéc thực hiện nghiêm các kế hoạch, định hướng về đấu tranh với các tổ chức, cá nhân liên quan đến “tín dụng đen” và tổ chức ra quân đấu tranh quyết liệt đối với các đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như các buổi họp dân; khơi dậy tinh thần tố giác tội phạm của người dân. Đến thời điểm hiện tại, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” được kiềm chế, đối tượng hoạt động đang trong tình trạng thu hồi vốn, nhiều đối tượng rời bỏ địa phương, không còn biểu hiện hoạt động cho vay trên địa bàn”.

Theo Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đồng Tháp, xác định trong thời gian tới, hoạt động liên quan “tín dụng đen” có nhiều biến tướng phức tạp, các đối tượng hoạt động kín đáo hơn và tinh vi nhằm tránh sự xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đại tá Trần Văn Đoàn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, để ngăn chặn hiệu quả hoạt động của “tín dụng đen”, Công an tỉnh Đồng Tháp sẽ vận dụng các quy định của pháp luật hình sự, hành chính để xử lý nghiêm các vi pháp luật liên quan đến cho vay vốn “tín dụng đen”. Lực lượng chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác quản lý cư trú để nắm hoạt động của số đối tượng có biểu hiện cho vay tiền góp; thông qua công tác tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông chú ý phát hiện và xử lý số đối tượng cho vay tiền góp nếu chúng có hành vi vi phạm”.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị các ngành liên quan cần hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong Nhân dân; nghiên cứu đơn giản các thủ tục, trình tự cho vay đối với người dân, hộ sản xuất nhỏ có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Xây dựng quỹ tín dụng đến tận nông thôn, sử dụng vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội; mở rộng diện đối tượng được hưởng chính sách cho vay không cần đảm bảo tài sản (tín chấp) để thực hiện mục tiêu chính là đảm bảo anh sinh xã hội, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả, tác hại do tín dụng đen gây ra...


Nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng giúp người dân nông thôn tiếp cận để có thêm nguồn vốn để sản xuất, nâng cao thu nhậpHỗ trợ những

gói vay vốn ưu đãi

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN Đồng Tháp), thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng theo hướng dẫn của hội sở đến các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc; trong đó, chỉ đạo các chi nhánh huyện, thị xã, thành phố và các phòng giao dịch trực thuộc chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tại xã, các hội đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng nội dung sản phẩm đến người dân biết, tiếp cận, niêm yết công khai thông tin về sản phẩm tại UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Dư nợ theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình phục vụ các nhu cầu cần thiết, cấp bách, chính đáng của người dân, đến nay khoảng 100 tỷ đồng với gần 4.450 khách hàng còn dư nợ.

Ngoài ra, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp và các tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay, hạn chế việc người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các kênh không chính thức. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đến nay là 3.318 tỷ đồng với gần 189.800 khách hàng còn dư nợ, doanh số cho vay qua các chương trình tín dụng chính sách trong năm 2019 là 876 tỷ đồng với 31.580 lượt khách hàng vay vốn...

Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động, NHNN Đồng Tháp cũng quan tâm triển khai tuyên truyền về Cổng thông tin kết nối khách hàng vay do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) vận hành, nhằm nâng cao tỷ lệ kết nối giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp. NHNN Đồng Tháp còn có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng đăng ký tài khoản khai thác nhu cầu vay, thường xuyên khai thác thông tin nhu cầu vay, đồng thời chủ động cập nhật, bổ sung các gói sản phẩm tín dụng kịp thời để khách hàng vay có nguồn thông tin tham khảo và lựa chọn sản phẩm vay phù hợp...

Theo NHNN Đồng Tháp, thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành ngân hàng chú trọng tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền hàng năm để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh đến người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bằng các hình thức phù hợp. Song song đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, tích cực triển khai các sản phẩm tín dụng đặc thù đến người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký truy cập Cổng thông tin kết nối khách hàng vay do Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia thiết lập để kịp thời nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng khách hàng, chủ động liên hệ giới thiệu sản phẩm phù hợp. Tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, cảnh báo về những hệ lụy, tác hại của “tín dụng đen” đến đời sống người dân và trật tự an toàn xã hội để người dân cảnh giác, hướng dẫn người dân khi có nhu cầu vay vốn đến liên hệ trực tiếp các tổ chức tín dụng để được tư vấn, hướng dẫn cho vay.

Ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc NHNN Đồng Tháp cho biết, ngành ngân hàng đã đưa ra các giải pháp cụ thể và đang từng bước triển khai thực hiện góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Vấn đề quan trọng hơn hết trong việc đẩy lùi nạn “tín dụng đen” là nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của “tín dụng đen” đến đời sống và trật tự an toàn xã hội để chủ động phòng ngừa và tránh rơi vào bẫy “tín dụng đen”. Chính vì thế, sự phối hợp tích cực từ các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động người dân ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” là hết sức cần thiết và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”.

Khánh Phan

(Hết)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn