Tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”

Cập nhật ngày: 10/12/2020 17:16:35

http://baodongthap.com.vn/database/video/20201211042958tk.mp4

ĐTO-Ngày 10/12, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.


Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị trực tuyến có đại diện Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh gồm 10 sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội. Cấp huyện, thành phố có các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp.

Các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án theo trách nhiệm được phân công, chủ động triển khai, phối hợp thực hiện theo chủ trương, kế hoạch, mang lại hiệu quả tốt, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Đề án được triển khai, thực hiện tại tỉnh Đồng Tháp chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có 102.865 người tham gia học nghề (nông nghiệp, phi nông nghiệp) gồm trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề, đào tạo nghề dưới 3 tháng, đạt 108,3% so với kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo.


Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 106.718 người tham gia học nghề (nông nghiệp, phi nông nghiệp), trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng đạt 125,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020, góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh tăng từ 58,2% (năm 2016) lên 70% (năm 2020), tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề tăng từ 42% tăng lên 50%. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Đề án các cấp đã triển khai các chính sách đối với người học, giảng viên giáo viên, cơ sở đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về lý luận chính trị, tiêu chuẩn ngạch, kiến thức quốc phòng...

Sau thời gian triển khai, thực hiện Đề án, khoảng 75% học viên học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay; tỷ lệ LĐ nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85%; 100% LĐ đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp đều có việc làm. LĐ nông thôn đã tận dụng để tăng thu nhập, một số hộ dân đã thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ tại địa phương. Các mô hình dạy nghề hiệu quả đã được nhân rộng; công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng cao hơn so kế hoạch đề ra, chất lượng đào tạo tại các cơ sở tham gia đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh được nâng cao.


Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (thứ 3 từ phải sang) thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, Ban Chỉ đạo Đề án các cấp cùng các thành viên tập trung đào tạo LĐ cho các chương trình, dự án lớn của trung ương, của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu đào tạo nguồn LĐ của tỉnh đã đề ra đến năm 2025 và năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025 góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 79%, trong đó qua đào tạo nghề là 57%; đến năm 2030 tỷ lệ LĐ qua đào tạo là 87,4%, trong đó qua đào tạo nghề là 63,8%. Tranh thủ nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương đầu tư, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về trang thiết bị đào tạo cho các trường, các trung tâm; xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo...

Dịp này, có 17 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn