Bạo hành gia đình - Không nên cam chịu, che giấu

Cập nhật ngày: 09/04/2017 06:55:04

ĐTO - Chuyện hôn nhân gia đình được xem là chuyện khó nói, bởi những ràng buộc về tình cảm làm cho nhiều người dễ mềm lòng và chấp nhận cam chịu. Thực tế có những người phụ nữ nếm trải nỗi đau bạo hành gia đình dẫn đến những đổ vỡ về hôn nhân khi sự chịu đựng của bản thân đã vượt quá giới hạn. Một số chị lại nhầm tưởng sự hành hạ thể xác và tinh thần là một phần của sự dạy dỗ hoặc biểu hiện của tình cảm yêu thương nên tự nguyện che giấu hành vi bạo hành của người chồng, người yêu trong thời gian dài.

Lý do bạo hành

Thật khó khăn để tiếp cận với những trường hợp phụ nữ bị bạo hành, bởi đa số đều ngại nói, ngại kể, ngại chia sẻ. Họ thường che giấu và cố chịu đựng, bởi luôn mang tâm lý nếu nói ra thì “xấu chàng hổ thiếp”, chẳng ai giúp đỡ!... Lối suy nghĩ này đã vô tình đẩy người phụ nữ trở thành nạn nhân của những ông chồng nát rượu và vũ phu. Tại Cơ sở Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (số 31, đường 30/4, phường 1, TP.Cao Lãnh) năm 2016 đã tiếp nhận 10 trường hợp đến để nhờ tư vấn do bị bạo lực về thể xác với nguyên nhân do chồng uống rượu say, không làm chủ bản thân, ghen tuông, đánh đập, vợ chồng cãi vã, dẫn đến mâu thuẫn; 9 lượt trường hợp bạo lực tinh thần do kinh tế gia đình gặp khó khăn, vợ chồng bất đồng quan điểm, ứng xử thiếu tế nhị, khi chồng uống rượu say chửi vợ con, vợ chửi chồng, xua đuổi... gây áp lực căng thẳng tâm lý giữa vợ, chồng, cha mẹ, con; 1 trường hợp bị bạo lực về kinh tế, chồng không chu cấp tiền cho vợ nuôi con nhỏ.

Chị Nguyễn Thị X., có chồng nghiện rượu và hay ghen tuông. Mỗi lần chồng uống rượu say, chị X. bị chồng buộc phải ở gần bên phục vụ nhu cầu sinh lý, nếu không đáp ứng sẽ bị chửi mắng với những lời lẽ thô tục, bị đánh, hành hạ cả đêm. Sau thời gian bị chồng hành hạ về thể xác, tinh thần, chị X. phải đến bác sĩ để khám, điều trị bệnh. Một thời gian dài như vậy, không chịu nổi, chị X. bỏ nhà ra đi và làm thủ tục ly hôn. Khi biết chị X. làm đơn ly hôn, người chồng càng chửi mắng chị thậm tệ, hăm dọa, gây áp lực cho chị nhiều hơn. Trường hợp chị C., kết hôn hơn 10 năm: ban đầu cuộc sống vui vẻ, gần đây chồng nổi máu ghen, mỗi khi uống rượu thường kiếm chuyện chửi mắng, xúc phạm chị nặng nề. Chị chia sẻ: “Muốn ly hôn nhưng vì có con nhỏ nên ráng chịu, được ngày nào hay ngày đó, vì thương con. Mỗi khi chồng uống rượu, tôi không muốn gặp mặt, trong lòng có cảm giác ghê sợ; càng lảng tránh thì chồng tôi nghi tôi có bồ bên ngoài nên càng kiếm chuyện chửi mắng...”.

Giải quyết, giúp đỡ

“Chén úp trong chạn còn khua”, câu nói ví von này như một lời khuyên cho những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, tuy nhiên mỗi người mỗi hoàn cảnh, có những gia đình thiếu sự vun đắp tình cảm, thiếu sự sẻ chia, tế nhị trong cư xử, giao tiếp, quá rạch ròi chuyện tiền bạc, ghen tuông, đa nghi, thất nghiệp... là những nguyên nhân nảy sinh những bất đồng. Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, dẫn đến những hành vi thiếu kiềm chế. Một số trường hợp biết chồng cãi vã, đánh, hăm dọa vợ, những người xung quanh muốn giúp đỡ nên gọi điện cho công an, hoặc chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Tuy nhiên, khi công an hay đại diện chính quyền địa phương đến thì người vợ lại một mực bênh vực người chồng, cho rằng chồng mình chỉ chửi, đánh lúc say rượu, còn bình thường thì rất thương vợ con?!. Có trường hợp khi biết vợ chồng đánh nhau, những người hàng xóm lại không dám vào can, bởi sợ người chồng ghen. Đổ vỡ hôn nhân là điều không ai muốn, nhưng nếu vượt quá sự chịu đựng về tinh thần, tổn thương về thể xác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng thì buộc phải tìm đến sự trợ giúp của cơ quan chức năng.

 Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai các hoạt động phối hợp phòng, chống BLGĐ từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Tuyến tỉnh có Cơ sở Tư vấn về phòng, chống BLGĐ. Tuyến cơ sở có các địa chỉ tin cậy để hỗ trợ các trường hợp cần sự giúp đỡ. Năm 2016, tuyến tỉnh đã tư vấn cho 20 đối tượng bị bạo lực; phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ ở các xã, phường, thị trấn tư vấn vãng gia, tư vấn tại Câu lạc bộ cho 7 đối tượng gây bạo lực, 77 lượt đối tượng bị bạo lực; tổ chức 3 cuộc đối thoại chính sách về phòng, chống BLGĐ tại huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và TX.Hồng Ngự với hơn 300 lượt người dự; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ... Thông qua những địa chỉ tin cậy cộng đồng, cán bộ tư vấn hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để bạo hành gia đình kéo dài. Những hoạt động trên đã góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ chị em phụ nữ khi bị BLGĐ.

Dù đã có nhiều cố gắng, song thực tế vẫn còn những trường hợp nạn nhân cố tình che giấu, không dám thổ lộ, vẫn còn suy nghĩ đánh vợ chỉ là cách giáo dục, việc áp dụng các biện pháp chế tài Luật phòng, chống BLGĐ chưa đủ mạnh... Để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc từ hành vi BLGĐ, khi phát hiện những vụ việc BLGĐ hay bản thân là nạn nhân của BLGĐ, người dân nên gọi số điện thoại: 0673.875.111 để được tư vấn hỗ trợ, hoặc nhờ chính quyền, Công an địa phương can thiệp trong trường hợp khẩn cấp.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn