Người “giữ hồn” lồng đèn truyền thống
Cập nhật ngày: 03/09/2019 05:41:22
ĐTO - Hiện nay, thị trường lồng đèn điện tử xuất hiện tràn lan, lồng đèn truyền thống không còn sức hút như xưa, dần dần bị mai một. Thế nhưng, ở giữa lòng TP.Cao Lãnh, chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân (56 tuổi) vẫn bám trụ với nghề gần 30 năm.
Chị Ngân làm chiếc lồng đèn truyền thống hình con cá
Niềm đam mê
Chị Ngân kể, thời còn học sinh Tiểu học, được ba tự tay làm cho chiếc lồng đèn ông sao, chị rất thích, nhớ mãi kỷ niệm đó. “Những năm chị học cấp 1, cấp 2, nhà trường thường tổ chức thi làm lồng đèn. Từ đó, chị bắt đầu thích thú với lồng đèn truyền thống và không thể nào quên được ký ức tuổi thơ đã từng gắn bó với chiếc lồng đèn” – chị Ngân nhớ lại. Sau này, chị tự tay làm những chiếc lồng đèn nho nhỏ tặng cho những người đến mua bánh trung thu, được nhiều người khen đẹp. Vậy là từ đó, khoảng năm 1991, chị bắt đầu nghề làm lồng đèn thủ công cho đến hôm nay.
Những năm đầu mới vào nghề, chị chỉ làm hơn 100 cái bán trong mùa Trung thu, chủ yếu là lồng đèn hình ông sao. Dần về sau, nhiều khách hàng ưa chuộng nên chị bắt đầu làm thêm nhiều mẫu lồng đèn hình con cá, bướm, chiếc thuyền... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Chị Ngân cho biết, cuộc sống ngày càng hiện đại, lồng đèn điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc bán trên thị trường đã lấn át lồng đèn truyền thống. Có lúc, chị muốn bỏ nghề nhưng rồi vẫn bám giữ. “Nhiều cơ sở làm lồng đèn truyền thống đã bỏ nghề, số còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay vì nghề làm lồng đèn thủ công cực khổ, thu nhập không cao nên nhiều người rẽ sang hướng khác” - chị Ngân tâm sự.
Trước đây, có người thân trong gia đình cùng làm lồng đèn, theo thời gian, họ tìm đến công việc khác nên chỉ còn lại một mình chị cặm cụi làm tất cả các công đoạn như đi tìm mua trúc, chẻ và chuốt trúc, làm khung, dán giấy kiếng... Chị Ngân cho biết, nghề làm lồng đèn thủ công không quá khó, chỉ sợ dằm, dây chì đâm vào tay chảy máu. Đôi bàn tay chị cũng hiện rõ sự chai sạn theo dấu tích của nghề làm lồng đèn gần 30 năm qua. “Bàn tay chị giờ nó nát như tương tàu rồi nhưng vì niềm đam mê nên chị vẫn theo nghề. Hằng năm, cứ qua Tết Nguyên đán là chị bắt đầu làm các công đoạn của chiếc lồng đèn cho đến ngày Tết Trung thu mới có đủ sản phẩm bán. Có lúc chị thức từ 5 giờ sáng làm đến tận khuya, thu nhập tuy không cao nhưng làm vì lòng đam mê rồi cũng quên đi cái mệt”, chị Ngân chia sẻ.
Giữ nghề truyền thống
Năm 1996, lồng đèn điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc rầm rộ xuất hiện ở thị trường, thu hút nhiều khách hàng đã khiến cho lồng đèn truyền thống bị “lép vế”. Thời điểm đó, lồng đèn của chị Ngân làm ra bị ế ẩm, chỉ bán được theo đơn đặt hàng của các trường học. Nhưng chị không nản lòng mà hằng năm vẫn tiếp tục duy trì nghề làm lồng đèn truyền thống nhằm níu giữ cái nghề đã ăn sâu vào tâm trí.
“Năm nay, chị làm khoảng 400 chiếc lồng đèn, mỗi chiếc bán với giá từ 50.000 - 400.000 đồng tùy vào kiểu dáng và kích thước. Có chiếc lồng đèn khách đặt hàng lên đến hơn 1 triệu đồng” – chị Ngân vừa thao tác dán giấy kiếng vừa nói. Những ngày này, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, nhìn lồng đèn treo trong nhà chị Ngân với đủ kiểu, nhiều màu sắc cảm thấy không khí Tết Trung thu đang đến rất gần. Mỗi lần, tôi chạy xe ngang, nhìn vào con hẻm là thấy chị Ngân đang cặm cụi chuốt trúc, tạo khung, dán giấy kiếng... để làm ra những chiếc lồng đèn mang đến niềm vui cho trẻ em, cũng như làm sống lại hồi ức tuổi thơ về những mùa Trung thu cũ của người lớn.
Có lẽ, hiện nay trên địa bàn TP.Cao Lãnh chỉ còn chị Ngân làm lồng đèn truyền thống với số lượng nhiều, góp phần giữ hồn cho lồng đèn truyền thống. Chị Ngân vui vẻ cho biết, có người hồi nhỏ được mẹ dắt đến mua lồng đèn của chị, khi lớn lên có chồng, có con cũng chở con lại chỗ chị mua lồng đèn. Theo dòng chảy thời gian, cơ sở làm lồng đèn truyền thống của chị Ngân được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Bé Bảy (ngụ phường Mỹ Phú) cho biết: “Năm nào cũng vậy, gần tới Tết Trung thu là tôi chở con đến chỗ chị Ngân mua lồng đèn truyền thống cho con chơi”. Còn anh Trần Chí Hữu (ngụ phường 4) chia sẻ: “Lồng đèn điện tử bán rất nhiều nhưng gia đình tôi không mua cho con. Một phần là muốn con mình lưu lại ký ức tuổi thơ bằng lồng đèn truyền thống, còn lồng đèn nhựa làm bằng các chất tái chế có khi gây độc hại cho trẻ nhỏ. Đây là hai lý do tôi tìm đến tiệm lồng đèn của chị Ngân để mua”.
Để “giữ chân” khách hàng, cập nhật xu hướng mới, chị Ngân sáng tạo ra lồng đèn hình bông sen, bé sen mang nét đặc trưng vùng đất Sen hồng Đồng Tháp. “Giờ điều kiện kinh tế đã ổn định, mục đích làm lồng đèn truyền thống của chị là vừa có thêm thu nhập, vừa giữ lửa nghề và góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian cho trẻ em” - chị Ngân tâm sự.
DƯƠNG ÚT