Nhiều giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho đối tượng đặc thù

Cập nhật ngày: 06/07/2018 15:10:28

ĐTO - Từ năm 2014 đến nay, các chính sách hỗ trợ cho đối tượng đặc thù gồm: Công an xuất ngũ, Bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, người chấp hành xong án phạt tù... được cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện, góp phần ổn định cuộc sống cho những đối tượng theo quy định.


Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đặc thù

Dựa trên các quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân, các trường hợp là công an xuất ngũ, bộ đội xuất ngũ. Toàn tỉnh có 336 người đã được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Bộ đội xuất ngũ được quan tâm ưu tiên tham gia các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề trước khi xuất ngũ về địa phương. Mỗi năm, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các trường, trung tâm trong ngoài tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền cho quân nhân nắm rõ các tiêu chuẩn, ưu tiên trong công tác đào tạo nghề, việc làm, chính sách, quyền lợi được hưởng.

Đến nay, các ngành, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đã tư vấn nghề, việc làm cho 1.222 người là bộ đội xuất ngũ. Công tác tư vấn nghề, việc làm cho bộ đội xuất ngũ được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) các đơn vị quan tâm. Sở LĐ – TB&XH chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc chủ động liên hệ, có kế hoạch tư vấn kịp thời các trường hợp sắp xuất ngũ. Tại các buổi tiếp xúc, quân nhân xuất ngũ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, dự định học nghề, tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành nghĩa vụ.

 Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, lực lượng quân nhân xuất ngũ là một trong những đối tượng được Trung tâm ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm. Các đơn vị tuyển dụng luôn mong muốn có được nguồn lao động là bộ đội xuất ngũ, vì lực lượng này có ưu điểm về kiến thức, tác phong nề nếp, chuẩn mực, sức khỏe tốt. Sự quan tâm truyền thông, định hướng sớm của các đơn vị trực thuộc Sở LĐ – TB&XH, chính quyền địa phương đã tạo cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống cho đối tượng quân nhân xuất ngũ.

Anh Trần Quang Lạc ở xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được địa phương tư vấn, bản thân tôi cũng đến tìm hiểu thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm về học nghề, việc làm. Gia đình ủng hộ nên tôi đã đăng ký đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, tôi tích lũy được một số vốn, mở tiệm kinh doanh tại nhà, cuộc sống ổn định...”.

Ngoài đối tượng công an xuất ngũ, bộ đội xuất ngũ, đối tượng người khuyết tật cũng được hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Hiện có gần 200 lao động được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp ổn định vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Năm 2014, Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng được thành lập dành cho đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú. Công an tỉnh quản lý Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng điều phối, đến nay đã lập hồ sơ, xét duyệt giải ngân cho vay 565 trường hợp với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Hoạt động vay vốn giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù giúp người từng vi phạm pháp luật có động lực vươn lên trong cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Các chương trình hỗ trợ đối tượng đặc thù đang tiếp tục được ngành liên quan triển khai, thực hiện tại các địa phương trong tỉnh với các chính sách phù hợp, đúng đối tượng. Hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi gợi sự tự tin, ý thức vươn lên của những đối tượng đặc thù, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, cải thiện đời sống.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn