Tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi

Cập nhật ngày: 04/07/2018 15:25:09

ĐTO - Một mình gánh vác gia đình 5 miệng ăn (ba mẹ già, 2 đứa con và đứa em trai bị nhiễm chất độc da cam) chỉ với 2 công đất trồng ổi, chị Trương Thị Hồng Thắm (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) đã vượt khó vươn lên, mạnh dạn theo đuổi và phát triển thêm nghề đan lục bình. Nhờ cần cù, chịu khó, từ một hộ khó khăn, giờ đây, gia đình chị Thắm đã ổn định cuộc sống và vươn lên khá giàu.


Nghề đan lục bình đã giúp gia đình chị Thắm vươn lên khá giả

Chị Thắm cho biết, chị sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Là con lớn trong gia đình, từ nhỏ chị phải chật vật với cuộc sống để phụ giúp ba mẹ lo cho các em. Lớn lên, lập gia đình, sinh được 2 người con, cuộc sống gia đình càng khó khăn, sau đó vợ chồng chị đã ly hôn, chị và con về sống với ba mẹ ruột và người em trai bị nhiễm chất độc da cam. Ba mẹ đã già yếu, một mình chị gánh vác việc lớn nhỏ trong nhà chỉ với 2 công đất trồng ổi. Cuộc sống chật vật, thiếu thốn trăm bề vì phải lo ăn uống chi tiêu trong nhà, phần lo học phí, sách vở cho con,... chị Thắm phải đi làm thuê (dặm lúa, làm cỏ,...) nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Năm 2001, chị Thắm học thêm nghề đan lục bình với mong muốn kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi. Vốn cần cù, chịu khó học hỏi, sau khi học nghề, chị nhận hàng về nhà gia công. Ban đầu thu nhập chỉ khoảng 25 ngàn - 30 ngàn đồng/ngày, dần thạo nghề mỗi ngày thu nhập trên 100 ngàn đồng.

Thấy việc đan lục bình thu nhập khá, chị Thắm tìm đến các cơ sở đồ mỹ nghệ nhận thêm nguyên liệu về làm và giới thiệu cho nhiều chị em ở địa phương cùng làm. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cao Lãnh, thành lập Tổ hợp tác đan lục bình để tổ tự đứng ra liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm, cắt bớt giai đoạn thu mua sản phẩm qua trung gian. Đầu năm 2016, Tổ hợp tác đan lục bình xã Mỹ Hiệp ra đời do chị Thắm làm Tổ trưởng. Với vai trò Tổ trưởng, chị Thắm đứng ra liên hệ với các công ty chuyên làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình trên địa bàn, nhận đơn hàng, lấy mẫu, khung, rồi đầu tư mua nguyên liệu giao cho các thành viên trong tổ đan gia công, sau đó chị đi thu gom sản phẩm giao cho công ty.

Nhờ sự nhiệt tình và tính kiên trì nên Tổ hợp tác của chị ngày càng phát triển, ngoài 13 thành viên chính của tổ còn có trên 100 thợ đan gia công. Ngoài công việc thu gom sản phẩm gia công từ các cơ sở, chị Thắm còn tận dụng lợi thế nhà ở nằm trên đường vào Khu di tích Xẻo Quít, chị làm các mẫu quà lưu niệm từ lục bình như: bình hoa, nón, giỏ xách,... bày bán tại nhà cho khách du lịch. Chị Thắm chia sẻ: “Nhờ nghề đan lục bình mà tôi có điều kiện lo cho 2 đứa con ăn học. Kinh tế gia đình cũng được cải thiện, ổn định. Hiện nay, trừ mọi chi phí hàng tháng tôi có thu nhập trên 8 triệu đồng từ nghề này”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mỹ Hiệp cho biết: “Không chỉ đưa gia đình mình vươn lên khá giả với nghề đan lục bình mà Tổ hợp tác đan lục bình xã Mỹ Hiệp do chị Thắm làm Tổ trưởng còn giúp nhiều gia đình trên địa bàn xã ổn định cuộc sống. Thành viên chính và lao động làm cho tổ hợp tác có thu nhập ít nhất là 50 ngàn đồng/ngày và cao nhất là khoảng 200 ngàn đồng/ngày. Hiện nay, tổ đã được tỉnh công nhận là làng nghề”.

B.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn