Huyện Hồng Ngự

Nuôi cá lồng bè kết hợp du lịch

Cập nhật ngày: 04/07/2018 11:12:25

Với lợi thế ở đầu nguồn sông Tiền, huyện Hồng Ngự có tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng thủy sản. Đặc biệt, nghề nuôi cá lồng, bè trên sông kết hợp du lịch được huyện xác định là một trong những mũi nhọn đang tập trung khai thác.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hồng Ngự có hơn 1.000 lồng, bè nuôi cá, trong đó xã Long Thuận chiếm trên 70%, được bố trí trải dài hơn 2km dọc theo nhánh sông Tiền. Mỗi năm, địa phương xuất bán ra thị trường trên 30 ngàn tấn, chủ yếu thông qua thương lái.

Thời gian đầu, nghề nuôi cá bè trên sông chỉ có một vài hộ, sử dụng nguồn cá giống được đánh bắt ngoài tự nhiên. Nhờ nguồn nước dồi dào, thức ăn tự nhiên phong phú nên cá lớn nhanh, ít dịch bệnh. Do vậy giá thành sản xuất thấp, các hộ nuôi đạt lãi cao nên nhiều hộ đã đầu tư phát triển mô hình này, định hình mô hình kinh tế đặc thù của địa phương.

Nhờ mô hình này mà nhiều hộ dân địa phương đã vươn lên khá giàu. Gia đình ông Tô Văn Nê (ấp Long Hòa, xã Long Thuận), từ 1 - 2 lồng, bè nuôi cá tự nhiên, đến nay, gia đình ông sở hữu 5 bè nuôi cá điêu hồng, mè...

Vài năm sau đó, nghề nuôi cá bè bắt đầu phất lên, nhiều hộ dân chọn mô hình này để phát triển kinh tế. Số lượng lồng bè cũng như diện tích bè cá tăng lên được bố trí dọc theo nhánh sông Tiền.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi cá lồng bè gặp nhiều khó khăn khi giá thành sản xuất tăng cao bởi thức ăn ngoài tự nhiên ngày một ít, phải kết hợp với ăn thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, chất lượng cá bị sụt giảm, đầu ra bấp bênh khiến các hộ nuôi đã không ít lần phải đối mặt với thua lỗ.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Để làng bè Long Thuận phát triển ổn định, nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là vận động bà con tham gia vào một tổ chức để mọi người cùng nhau đoàn kết, xây dựng kế hoạch sản xuất”.

Trước nhu cầu bức thiết đó, Hội quán làng bè Long Thuận ra đời. Đây là nơi liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để giảm giá thành sản xuất, chọn con giống phù hợp, nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Để mô hình kinh tế mũi nhọn này của địa phương phát triển, huyện Hồng Ngự còn định hướng xây dựng hình ảnh làng bè Long Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá nghề nuôi cá bè, một nét sinh hoạt đời sống và sinh kế của người dân vùng sông nước.

Điểm dừng chân này nằm trong tour du lịch sinh thái miệt vườn mà địa phương đang tập trung phát triển cùng với các điểm du lịch khác như: làng nghề dệt choàng trên 100 năm tuổi, những ngôi nhà cổ kính ở xã Long Khánh A, vườn cây ăn trái sạch đặc trưng, bãi cồn cát trắng thơ mộng đang thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn