Phòng, chống mại dâm – Còn lắm gian nan!

Cập nhật ngày: 16/12/2017 07:22:11

ĐTO - Hiện nay, tệ nạn mại dâm (MD) trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp khi các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi.

Dưới “vỏ bọc” quán giải khát bình dân, dịch vụ massage hay dịch vụ nhà nghỉ…, gái MD đã lợi dụng nơi đây để “hành nghề” và qua mặt cơ quan chức năng.


Gái mại dâm ngồi “kỳ kèo” với khách tại một quán cà phê trên đường Trần Quang Diệu (phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh)

Nhiều biến tướng

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trên địa bàn tỉnh hiện có 1.375 cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng hoạt động MD với 1.421 tiếp viên, nhân viên (1.021 người là nữ giới). Các cơ sở này tập trung nhiều ở các địa phương: Lấp Vò, Tháp Mười, Lai Vung, Thanh Bình, TX.Hồng Ngự, Tân Hồng và TP.Cao Lãnh. Còn số người bán dâm ước tính toàn tỉnh khoảng 159 người, nhưng số người bán dâm được cơ quan chức năng thống kê chỉ 26 người.

Ngành chức năng tỉnh nhận định, tình hình MD trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình. Các cơ sở dịch vụ đa phần đều có mối liên hệ chặt chẽ để liên lạc cung cấp “gái” khi có yêu cầu.

Một trong những hình thức hoạt động MD phổ biến hiện nay là các quán bia, cà phê, cắt tóc, gội đầu... “trá hình” với 521 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ hoạt động MD. Mang “nhãn mác” là loại hình kinh doanh nhưng thực chất là “tụ điểm” để các đối tượng hành nghề MD.

Một tối đầu tháng 12/2017, chúng tôi liên hệ với anh Đ. (ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình) – dân chơi “thứ thiệt” đang thường trú tại phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh để nhờ “trợ giúp”.

Theo chia sẻ của anh Đ., anh đã từng lui tới các quán “cà phê võng” hay “cà phê đèn mờ” trên địa bàn phường để “vui vẻ”. Có rất nhiều quán cà phê như thế và tập trung nhiều ở 2 tuyến đường Trần Quang Diệu và Điện Biên Phủ. Nói xong, Đ. chở chúng tôi dạo qua 2 tuyến đường để tìm hiểu thực hư của các hoạt động MD biến tướng. Ngồi trên xe quan sát, chỉ tính riêng trên đoạn chừng 200m của đường Trần Quang Diệu đã có 4 – 5 quán cà phê và cà phê võng trang hoàng bằng đèn chớp và đèn mờ rất “khả nghi” nằm san sát nhau.

Quyết tâm tìm hiểu thực hư, chúng tôi ghé quán cà phê “đèn mờ” tên 7.7. trên đường Trần Quang Diệu. So với các quán cà phê thông thường khác, quán 7.7. này có vẻ sập sệ hơn và không trang trí cầu kỳ. Bên trong, chủ quán chỉ trưng bày một kệ nước với vài chai nước ngọt và gần chục cái võng được mắc thành hàng dọc, vài cái ghế nhựa...

Vừa gọi 1 ly cà phê được chừng 5 phút, một cô tiếp viên trạc 25 tuổi từ phía trong tiến lại ngồi gần bên chúng tôi. Chưa kịp hỏi, cô gái đã vuốt ve tôi và bảo: “Đi vui vẻ không anh”. “Vui vẻ là thế nào hả em?” – chúng tôi cười hỏi. Như thể đã quen nhau từ trước, cô gái đáp: “Mấy anh biết hết mà còn hỏi. Vui vẻ là đi nhà nghỉ đó...”. Cô gái nói tiếp: “Mấy anh vui vẻ với em mỗi suất 300.000 đồng. Còn tiền phòng thì bên em lo”. “Mắc quá!” - chúng tôi đáp. Thấy chúng tôi và tiếp viên “kỳ kèo”, một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, phấn son lòe loẹt bước ra từ quầy cà phê thúc giục: “Được phục vụ vui vẻ mà. Đây là giá hữu nghị rồi đó mấy anh ơi. Đi chơi mở hàng cho mấy em nó đi nhe”.

Vừa nghe bà chủ nói xong, cô gái ngồi kề chúng tôi cho biết, nếu khách đồng ý “vui vẻ”, thì bãi đáp để “hành sự” là nhà trọ của chính chủ quán nằm ngay sát vách quán cà phê 7.7. Mỗi khi có khách, nhân viên phải “nộp” cho nữ chủ quán cà phê này 100.000 đồng. Chúng tôi giả vờ “chê đắt”, rồi nhanh chóng ra xe rời đi. Tiếp tục làm “tài xế” đưa chúng tôi đi trên đường Điện Biên Phủ, anh Đ. quả quyết nhiều quán cà phê trên tuyến đường này có MD trá hình...

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Thời gian qua, ngành chức năng đã phối hợp trong công tác quản lý địa bàn, thanh kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng hoạt động MD; đấu tranh triệt xóa các ổ hoạt động MD, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong giai đoạn 2016 - 2017, lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp đã tổ chức 847 lượt kiểm tra, truy quét tại các địa điểm công cộng 242 cuộc, tại các cơ sở kinh doanh các dịch vụ 102 cuộc... Qua đó, nhắc nhở, giáo dục 1.011 trường hợp; phát hiện 227 cơ sở vi phạm, trong đó cảnh cáo 193 cơ sở vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý, phạt tiền 15 cơ sở với số tiền 42 triệu đồng.

 Lực lượng Công an cũng tăng cường công tác phối hợp triệt xóa các tụ điểm đoạt động MD. Bên cạnh đó, thường xuyên tranh tra, kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ lợi dụng hoạt động MD.

Lúc 20 giờ 30 phút ngày 30/10/2017, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phối hợp Công an TP.Cao Lãnh tiến hành kiểm tra nhà trọ Phạm Huỳnh (tọa lạc ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh). Tại phòng số 104, lực lượng chức năng bắt quả tang 1 đôi nam nữ là Nguyễn Văn T. (SN 1985) ngụ ấp Hòa Khánh, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh và Đoàn Thị Thu H. (SN 1996) ngụ phường 1, TP.Sa đéc đang thực hiện hành vi mua bán dâm. Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 cặp nam nữ đang mua bán dâm tại phòng 106. 2 đối tượng khai nhận là Huỳnh Đại Th. (SN 1977) ngụ khóm 5, phường 11, TP.Cao Lãnh và Nguyễn Thị Tuyết Tr. ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh. Qua điều tra, 4 đối tượng khai nhận, cùng gặp nhau tại quán cà phê T.L. (ấp 1, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) và thỏa thuận giá mua bán dâm 300.000 đồng/lượt.

Tính từ ngày 11/2015 - 11/2017, lực lượng Công an tiến hành triệt xóa 21 tụ điểm mại dâm, bắt giữ 100 đối tượng (trong đó có 2 chủ chứa, 2 môi giới, 12 chủ nhà trọ - karaoke, 42 gái bán dâm, 42 khách mua dâm). Kết quả, xử lý hình sự 4 vụ, 5 đối tượng (2 chủ chứa, 2 môi giới, 1 chủ trọ); xử phạt hành chính 17 vụ, 95 đối tượng (11 chủ nhà trọ - karaoke, 42 khách mua dâm, 42 gái bán dâm).        

Khó khăn bài trừ hoạt động Mại Dâm

Hoạt động ngày càng “trá hình” của đối tượng MD, công tác tấn công, triệt xóa gặp nhiều thách thức. Số vụ được khám phá và số đối tượng bị xử lý trong thời gian qua vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tệ nạn MD trên địa bàn.

Dù ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tấn công, triệt xóa nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được sự gia tăng của tệ nạn MD. Tình hình MD hoạt động ngày càng biến tướng, tinh vi gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.

Ngoài ra, do tính chất phức tạp của hoạt động MD nên rất khó xác định số cơ sở có biểu hiện MD cũng như số nhân viên nữ nghi hoạt động MD. Bên cạnh, luật quy định chỉ xử lý vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người bán dâm sau khi bị bắt giữ, bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền nên hiệu quả răn đe không cao.

Theo ông Nguyễn Văn Tại - Phó trưởng Phòng Phòng, Chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, pháp luật chỉ quy định xử phạt hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng với đối tượng bán dâm và người mua dâm là từ 500.000 - 1 triệu đồng. Mức xử phạt như thế là quá thấp, đặc biệt với người bán dâm. Chưa hết, khi đối tượng bán dâm chống đối, cương quyết không chịu đóng phạt thì lại chưa có biện pháp chế tài với các trường hợp này. Đó cũng là một trong những lý do khiến hoạt động MD chưa thể kiểm soát...

“Thêm vào đó, đối tượng hoạt đông MD hiện nay có biểu hiện công khai hơn do nắm chắc qui định pháp luật, khi bị cơ quan công an bắt thì chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Từ đó, các đối tương ngang nhiên lách luật để thực hiện hành vi trao đổi, ngã giá để hoạt động MD. Do đó, gây nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh, triệt xóa ổ nhóm MD và xử lý đối tượng vi phạm. Còn Đội kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội không có thẩm quyền quyết định xử phạt nên công tác phòng, chống MD mới tập trung vào các hoạt động phòng ngừa thông qua việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD. Vì thế, hiệu quả phòng ngừa không cao, không đủ sức răn đe đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống MD” – ông Tại lý giải thêm.

Còn theo nhận định của Phòng PC45, Công an tỉnh, đối tượng hoạt động MD trên địa bàn tỉnh phần lớn là do lười lao động, tha hóa về đạo đức và có tham vọng làm giàu nhanh. Đa phần các gái bán dâm là người từ các địa phương khác đến. Hơn nữa, các đối tượng bán dâm thường “núp bóng” là nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ hay massage, gội đầu..., nên khó kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, việc bắt các đối tượng bán dâm chỉ xử phạt hành chính nên sau khi xử lý xong, các đối tượng này thường bỏ đi khỏi địa phương. Do vậy, gây nhiều khó khăn trong việc điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng chủ chứa, môi giới vì không có nhân chứng...

Hoạt động MD ngày càng trá hình, biến tướng và khó kiểm soát, trong khi hình thức xử phạt của luật pháp chưa đủ sức răn đe. Công tác phòng, chống tệ nạn MD trên địa tỉnh vẫn còn lắm gian nan!.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn