Trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông
Cập nhật ngày: 04/05/2017 09:55:50
ĐTO - Người bị tai nạn giao thông (TNGT), nếu được sơ cứu đúng cách có thể hạn chế những tổn thương, ít nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, ngoài việc thành lập các chốt, điểm sơ cấp cứu về TNGT, Ban An toàn giao thông (ATGT), các đơn vị thành viên đã mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho các hội viên và người lao động.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập huấn kỹ năng sơ cứu về tai nạn giao thông cho người lao động
Với tinh thần sẵn sàng giúp người bị nạn, khi thấy xảy ra va quẹt giao thông, nhiều người nhiệt tình hỗ trợ đưa người bị nạn đến bệnh viện. Chị Trần Thị Thu ngụ Khu dân cư thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh gặp nhiều trường hợp va quẹt xe trên tuyến Quốc lộ 30, bản thân chị cũng từng chở người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu. Chị chia sẻ: “Tại đường Ngô Thì Nhậm - Nguyễn Huệ, TP.Cao Lãnh, có 1 lần tôi giúp 1 chị bị xe tải quẹt té xuống đường. Thấy người bị nạn kêu la đau đớn nên tôi gọi người đang lái xe ba gác chở đi. Tình thế gấp rút, chỉ muốn chở nhanh đến bệnh viện, chứ tôi đâu biết khiêng người gặp nạn như thế nào cho an toàn, không nguy hiểm...”. Anh Nguyễn Hồng Long ngụ tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Một lần, tôi lái xe bị va chạm với một người say rượu. Khi té xuống đường, tôi thấy chân mình mất cảm giác. Hai người đi đường đã giúp khiêng tôi lên xe rồi đưa đến bệnh viện. Khi tới bệnh viện, bác sĩ nói ngồi như vậy rất nguy hiểm cho tôi, tốt nhất nên nằm, nhưng lúc nguy cấp thì đâu có biết phải xử lý như thế nào”. Em Trần Thị Huỳnh ngụ xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười bị va chạm xe trên đường Hùng Vương, thị trấn Mỹ An. Khi ngã xe em không sao, nhưng do lúc khiêng để lên xe chở đi cấp cứu em bị kéo mạnh nên ảnh hưởng đến vùng cổ, phải nhập viện để theo dõi.
Khi tai nạn giao thông xảy ra, nhiều người chỉ muốn nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế nhanh nhất. Một số nơi có xe taxi, người bệnh được đưa lên xe taxi; nếu không có thì xe ba gác, xe gắn máy được tận dụng để chuyên chở. Việc xốc, vác, khiêng đều được thực hiện nhanh gọn, thủ công, không theo nguyên tắc nào, nên phần nào ảnh hưởng đến sự an toàn của người bị nạn.
Theo Ban ATGT tỉnh, năm 2016, số người bị TNGT nhập viện điều trị gần 14.000 trường hợp gồm người trong tỉnh, người ngoài tỉnh, nhập viện trực tiếp, tuyến dưới chuyển lên; có 27 trường hợp bệnh nhân tử vong. Hạn chế những rủi ro, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập huấn hoạt động sơ cấp cứu cho người dân, công nhân, viên chức, lao động... Ban ATGT tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn phối hợp thành lập hơn 10 điểm sơ cấp cứu TNGT đường bộ thuộc các huyện: Thanh Bình, Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Tháp Mười, TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc... nơi có tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, những điểm nóng thường xuyên xảy ra TNGT. Tại các điểm sơ cấp cứu, tình nguyện viên được trang bị đồng phục, túi cứu thương, vật dụng sơ cấp cứu đường bộ; được tập huấn các kỹ năng sơ cấp cứu đường thở, cố định gãy xương, cách di chuyển nạn nhân an toàn đến cơ sở y tế gần nhất để hạn chế các di chứng hoặc tử vong.
Ngoài việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, Sở Y tế đã mở lớp tập huấn kỹ năng cấp cứu ban đầu về chấn thương do TNGT cho đối tượng là cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Các buổi tập huấn trang bị kiến thức băng bó, cách di chuyển người bị nạn, xử trí các vết thương khi xảy ra TNGT. Ban ATGT, Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ, nâng cao năng lực chuyên môn về cấp cứu cho cán bộ y tế cơ sở xử lý sớm các chấn thương, giảm di chứng, giảm tỷ lệ tử vong; tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia xã hội hóa trong công tác cứu hộ, cứu nạn giao thông, cấp cứu TNGT; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cấp cứu ban đầu cho đội ngũ lái xe taxi, xe chở khách, tình nguyện viên...
C.Phương