Tuyên truyền - giải pháp đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường
Cập nhật ngày: 26/03/2017 06:41:45
(Bà Vũ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)
Bà Vũ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
PV: Xin bà cho biết công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở tỉnh ta gần đây chuyển biến như thế nào cũng như những hạn chế, khó khăn lớn cần sớm khắc phục?
Bà Vũ Thị Nhung: Nhìn chung, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về BVMT trong nhân dân từng bước được nâng lên. Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường (MT) đã từng bước được hạn chế,... Chẳng hạn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đã đổi mới so với những năm trước; đã xây dựng hệ thống tuyên truyền viên chân rết là cán bộ của các đoàn thể ở cấp xã, phường; thành lập các đội thanh niên tình nguyện, xây dựng cụm, tuyến dân cư an toàn - xanh - sạch - đẹp; kịp thời giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm MT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các thủ tục hành chính về MT và các biện pháp BVMT, xử phạt nghiêm các hành vi gây ô nhiễm MT;...
Bên cạnh đó, còn những hạn chế, khó khăn lớn cần sớm khắc phục trong lĩnh vực BVMT. Đó là: vẫn còn tồn tại một số bãi rác tạm hoạt động gây ô nhiễm MT trên địa bàn; một số cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa xử lý nước thải, bùn thải đạt quy chuẩn MT trước khi thải ra MT bên ngoài; một số cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong các khu dân cư hoạt động gây ô nhiễm MT. Thói quen, nhận thức của người dân về BVMT chưa thay đổi kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Ý thức chấp hành pháp luật một số doanh nghiệp chưa tốt, chưa quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ xử lý MT, chưa tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, vận hành không thường xuyên hệ thống xử lý chất thải hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung BVMT đã cam kết. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT các cấp đã được tăng cường nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn...
PV: Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm MT, ô nhiễm MT nghiêm trọng đạt kết quả như thế nào và trong năm 2017, ngành tập trung giải quyết những “điểm nóng” ô MT trường nào?
Bà Vũ Thị Nhung: Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở thuộc đối tượng ô nhiễm MT nghiêm trọng, đa phần thuộc lĩnh vực công ích là các bệnh viện và bãi rác. Đến nay, cơ bản có 14/22 cơ sở đã và đang được đầu tư các công trình khắc phục ô nhiễm MT như: 11 bệnh viện đã đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh và đang lập thủ tục xóa tên khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm MT nghiêm trọng, 2/6 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đang triển khai dự án xử lý triệt để, 4 bãi chôn lấp rác thải còn lại đã lập dự án khắc phục ô nhiễm đang trình Chính phủ xem xét. Còn lại 1 trung tâm bảo trợ xã hội đã được Chính phủ phê duyệt dự án xử lý triệt để và đang triển khai thực hiện; dự án xử lý ô nhiễm MT nghiêm trọng Làng nghề làm bột kết hợp chăn nuôi heo tại xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc đang triển khai thực hiện, dự kiến cuối năm 2017 sẽ đi vào hoạt động.
Trong năm 2017 và thời gian tới, sẽ tập trung giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm MT ở các cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng, các điểm nóng về ô nhiễm MT, tình trạng ô nhiễm MT đối với các bãi rác tạm, khu nuôi trồng thủy sản, xử lý rác thải nguy hại. Đối với các dự án đã có nguồn vốn, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ để thực hiện theo lộ trình đề ra. Đối với các dự án còn thiếu nguồn vốn, tỉnh tiếp tục lập dự án trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện, đồng thời kêu gọi vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho công tác BVMT nói chung và đầu tư các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại nói riêng.
PV: Người dân đang lo ngại vấn đề nước thải ở các cơ sở, khu, cụm công nghiệp. Vậy Sở có giải pháp gì tăng cường công tác này?
Bà Vũ Thị Nhung: Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải, khí thải xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra MT. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành đôi lúc có xảy ra tình trạng xả thải vượt quy chuẩn MT theo quy định. Nguyên nhân là các công ty, doanh nghiệp không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải.
Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT thường xuyên hướng dẫn cho các cơ sở biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn MT; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các trường hợp xả thải không đạt yêu cầu; tổ chức rà soát, lập danh sách những cơ sở sản xuất kinh doanh còn tồn tại các vấn đề MT (thủ tục hành chính, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn chưa đạt yêu cầu...), tổ chức hội nghị công bố, và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ký cam kết hoàn thành các thủ tục về MT và đưa ra lộ trình khắc phục các vấn đề MT còn tồn tại theo thời gian quy định. Nếu sau thời gian quy định, cơ sở nào không khắc phục sẽ bị xử phạt. Ngoài ra, trong năm 2017, tỉnh Đồng Tháp sẽ đầu tư xây dựng các trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu, cụm công nghiệp và công ty, doanh nghiệp có quy mô xả thải với lưu lượng 1.000m3/ngày truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT để thường xuyên theo dõi giám sát tình hình xả thải của các các cơ sở sản xuất.
PV: Ngành TN&MT tập trung tuyền truyền những vấn đề gì trong thời gian tới?
Bà Vũ Thị Nhung: Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng trong công tác BVMT, nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Xã hội phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, Sở TM&MT xét thấy trong thời gian tới cần tích cực thông tin, tuyên truyền đến người dân các vấn đề như: thông tin kịp thời những vấn đề MT, tình hình biến đổi khí hậu của địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh để mọi người dân biết và cùng các cơ quan nhà nước tham gia giám sát các hoạt động BVMT của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp; tuyên truyền về BVMT để người dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí 17 về BVMT trong xây dựng nông thôn mới; thường xuyên nêu, biểu dương những tấm gương điển hình người tốt, việc tốt, những mô hình hoạt động có hiệu quả về BVMT, đồng thời kịp thời phản ánh những tổ chức, cá nhân không thực hiện tốt các vấn đề MT trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến kịp thời các quy định pháp luật về BVMT để người dân biết, thực hiện và cùng tham gia giám sát các hành vi gây ô nhiễm MT để kịp thời phản ánh với các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
PV: Xin cám ơn bà!
Thành Nam (thực hiện)