Khát vọng - tinh thần và lực lượng vật chất

Cập nhật ngày: 10/09/2024 05:48:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240910054903dt2-1.mp3

 

ĐTO - Cũng như nhiều dân tộc ở khắp nơi trên thế giới, dân tộc Việt Nam có khát vọng mãnh liệt về một đất nước thống nhất, độc lập và được sống trong hòa bình. Khát vọng này là tinh thần vô giá và trở thành lực lượng vật chất đã tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc làm nên những chiến công vĩ đại của đất nước. Mạch ngầm của khát vọng ấy đang chuyển hướng đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đã, đang và sẽ dựng nên những kỳ tích mới. Do vậy, việc nhìn ra và nuôi dưỡng khát vọng không chỉ có ý nghĩa cho riêng từng người mà còn là vốn quý của dân tộc.

Khát vọng là điều mong muốn, đòi hỏi rất mạnh mẽ. Khác với tham vọng thiên về tiêu cực và sự quá mức, khát vọng là sự mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi con người có khát vọng mãnh liệt, nó sẽ là động lực thôi thúc con người ta sống, nỗ lực để đạt đến điều đó. Khát vọng là trạng thái tâm lý - tình cảm, những nhu cầu “nội sinh” của con người. Dù là sự nảy nở và phát triển từ bên trong, khát vọng được “kích hoạt” bởi bên ngoài, do hoàn cảnh xã hội. Và là lực lượng tinh thần, khát vọng “chuyển hóa” thành nguồn lực vật chất như cách nói của Karl Marx: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Thực tiễn của lịch sử Việt Nam cận - hiện đại đã minh chứng đầy đủ cho nhận định này.

Với khát vọng thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, nhiều sĩ phu và những người yêu nước Việt Nam đã tìm đường cứu nước, bôn ba hải ngoại, chịu cảnh tù đày, chấp nhận hy sinh để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng “xuống đường”, “đập tan mọi xích xiềng”. Hòa trong khát vọng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành tổ chức tiền phong lãnh đạo các lực lượng yêu nước làm nên Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám đã xây dựng nhà nước kiểu mới, Nhà nước công - nông đầu tiên vùng Đông Nam châu Á. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự nung nấu và biến khát vọng đất nước thống nhất, hòa bình và tự do, mỗi người dân là một chiến sĩ đã lần lượt “nốp với giáo mang trên vai”, “lên đường” đẩy đuổi, đập tan những “sen đầm” quốc tế. Và từ một đất nước bị tàn phá trong chiến tranh, Việt Nam đã từng bước hồi sinh bởi mong muốn xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trên hành trình hiện thực hóa khát vọng “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra những bài học quý báu bởi chủ quan, duy ý chí và kịp thời thay đổi tư duy, thực hiện công cuộc “Đổi mới” toàn diện đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sức sáng tạo, quá trình nỗ lực bền bỉ, liên tục của toàn Đảng và toàn dân đã làm cho: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Hiện nay, các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã và đang hội tụ đủ để Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam kỳ vọng: “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Như trên đã nói, dù là yếu tố tâm lý - tình cảm, khát vọng có sức mạnh phi thường và trở thành lực lượng vật chất ngay chính trong nguồn lực con người, được sánh như “người anh em” của trí tuệ. Vấn đề còn lại chính ở chỗ nuôi dưỡng, bồi dưỡng khát vọng cho mỗi người, từng cộng đồng và toàn dân. Với mỗi người, khát vọng là làm đẹp cho mình và cho xã hội. Đối với cộng đồng, khát vọng là xây dựng quê hương giàu đẹp. Và với toàn dân, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt vấn đề: “...khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”. Trong vấn đề nuôi dưỡng và bồi dưỡng khát vọng, cần xác định, phân định rõ các chủ thể giữ vai trò “khơi nguồn” là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đối với tổ chức lãnh đạo các cấp, việc định hướng một cách khoa học các chặng đường và giải pháp lớn phát triển đất nước nói chung, các địa phương và đơn vị nói riêng; đối với cơ quan cụ thể hóa và thực thi pháp luật, xây dựng kế hoạch, phương án và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kiên trì và bền bỉ; đối với các tổ chức chính trị - xã hội, làm nòng cốt tuyên truyền, vận động, thuyết phục, huy động và tổ chức lực lượng để hiện thực hóa khát vọng chung của các tầng lớp nhân dân. Với ưu thế của hệ thống chính trị Việt Nam, việc chuyển nguồn lực tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt” thành nguồn lực vật chất sẽ “làm nên tất cả” - những khát vọng của dân Việt.

Khát vọng là sự hướng thiện nên nó có sức mạnh thần kỳ. Khát vọng đã và đang được hiện thực ngay đối với những điều “tưởng như không thể” trên mảnh đất Việt Nam. Ngày nay, khát vọng “vươn mình”, “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là sự tập hợp và khơi thông dòng chảy khát vọng của từng người Việt Nam. Khát vọng này hòa quyện vào khát vọng của nhân loại đang và sẽ cuốn trôi, dập tắt, đẩy lùi những tham vọng ích kỷ của một số người, nhóm người, tầng lớp... để cùng vươn tới “một thế giới tiến bộ, văn minh và đạo đức”.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn