Đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
“Cần có các quy định cụ thể đối với các hộ dân bị thu hồi đất”
Cập nhật ngày: 25/03/2013 04:18:52
Thời gian gần đây, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đông đảo quần chúng nhân dân cả nước quan tâm. Ở tỉnh Đồng Tháp, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai được triển khai thực hiện ở từng ngành, từng cấp, từng địa phương.
Với tinh thần đó, trong tháng qua, Công an tỉnh Đồng Tháp tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong CAND với tổng cộng 44 lượt ý kiến. Nhìn chung, hầu hết CBCS Công an toàn tỉnh thống nhất về bố cục, nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi); tuy nhiên, các ý kiến đóng góp tập trung ở các Điều 40, 41, 51 và 131.
Ở Điều 40 về trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại điểm e, khoản 1 “Định mức sử dụng đất”, các ý kiến đề nghị bổ sung quy định là căn cứ vào quy mô, quân số, đặc điểm, tính chất công trình mà quy định định mức chung cho từng đơn vị, từng loại công trình để đồng bộ, tiết kiệm và hiệu quả sử dụng đất; tại điểm a,b khoản 3 và điểm b,c khoản 4 đề nghị bỏ cụm từ “năm (05) năm” vì việc căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất có tính chiến lược lâu dài.
Tại điểm a,b khoản 3, các ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “năm (05) năm” thành cụm từ “mười (10) năm” vì kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cần định hướng lâu dài, 10 năm thay vì 5 năm. Tại điểm c, khoản 2, đề nghị bổ sung cụm từ “quốc phòng, an ninh” vào cụm từ “Sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội” để việc xác định vị trí, diện tích đất với mục đích sử dụng cho quốc phòng, an ninh trong nội dung quy hoạch được rõ ràng hơn.
Điều 41 về “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh”, các ý kiến đề nghị có quy định cụ thể: “Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các Bộ, ngành, UBND các cấp tỉnh, huyện phải đảm bảo phù hợp, đồng bộ, tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia” để tránh việc quy hoạch của cấp dưới trái với cấp trên.
Điều 51 “Về thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội”, thay thế cụm từ “Vùng phụ cận” bằng cụm từ “Khoảng cách tối đa không quá 200m” tại điểm b, khoản 2 để tránh tình trạng việc tự ý thu hồi diện tích đất tùy tiện ngoài vùng phụ cận ở một số địa phương và nên tránh việc dùng từ Hán Việt gây khó hiểu.
Điều 131 “Về mục đích sử dụng đất quốc phòng, an ninh”, bổ sung cụm từ “Đất an ninh được sử dụng làm kinh tế” và bỏ cụm từ “Đất an ninh kết hợp làm kinh tế” tại khoản 2.
Ngoài ra, các ý kiến còn đóng góp các Điều về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cụ thể: Cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và chính sách đối với các hộ dân bị thu hồi đất; công tác áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải được xem xét, nghiên cứu chặt chẽ, thận trọng, tránh xảy ra trường hợp người chấp hành nghiêm các quyết định thu hồi đất trước nhận mức giá bồi thường khác và người không chấp hành lại được nhận mức giá bồi thường khác và có lợi hơn người nhận trước vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến các khiếu nại về đất đai hiện nay; công tác áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải được áp giá đất thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất để đảm bảo cuộc sống cho người bị thu hồi đất và hạn chế khiếu kiện về giá đất bị thu hồi trong thời gian qua.
Lê Hiếu