Đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Cập nhật ngày: 22/03/2013 05:17:30

Nghiên cứu toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, càng củng cố thêm lòng tin của chúng ta vào chế độ xã hội chủ nghĩa do nhân dân xây dựng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và tôi thống nhất hoàn toàn tinh thần của dự thảo. Nhưng để cho Hiến pháp mang tính Hiến định mạnh mẽ, tuyệt đối, tôi thấy cần bổ sung một số ý như sau:

Tại Chương I, Điều 4, mục 2 ghi: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Theo tôi nên thêm 3 chữ vào câu này như sau: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và pháp luật về những quyết định của mình”. Tôi thêm 3 chữ “và Pháp luật” là vì Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cho nên mọi tổ chức, cá nhân sống và hoạt động trong đất nước này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc làm của mình.

Tôi cho rằng, việc thêm 3 chữ đó càng thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân càng cao và sự quyết định chủ trương, chính sách của mọi tổ chức Đảng đều phải xuất phát từ cơ sở lợi ích của nhân dân và Hiến định.

Chương II: QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Từ Điều 15 đến Điều 52 có tất cả 38 điều cho chương này, qua nghiên cứu bản báo cáo thuyết minh của Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với chương này, tôi xin đề nghị các ý như sau: nên tách ra thành chuyên mục cụ thể, đó là:

- Quyền con người

- Quyền công dân

- Nghĩa vụ của con người

- Nghĩa vụ của công dân

Viết tách ra như thế để cho nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Tôi thấy ngay điểm này ta nên học cách viết của Hiến pháp 1946 (Nghĩa vụ: Công dân có 4 nghĩa vụ, Quyền lợi: Hiến pháp ghi tới 11 điều. Quy định như thế công dân nhìn vào thấy dễ hiểu.

Đỗ Hoàng Tiễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn