Khảo sát kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở hai huyện Thanh Bình và Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 31/10/2014 08:05:18

Ngày 29/10/2014, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã đến huyện Thanh Bình khảo sát và làm việc về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn.


Đoàn đến khảo sát cơ sở vật chất trường dạy nghề

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Bình, bước đầu thực hiện đề án, huyện đã tổ chức điều tra trên diện rộng về nhu cầu học nghề của LĐ, từ đó cơ cấu và đăng ký dạy nghề hàng năm cho phù hợp. Đến nay đã có 810 LĐ nông thôn được đào tạo nghề với nhóm nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, tỷ lệ LĐ có việc làm sau đào tạo từ 90% trở lên. Đối với nhóm nghề phi nông nghiệp có hơn 5.500 LĐ được đào tạo, tỷ lệ LĐ có việc làm sau đào tạo từ 80% - 90%. Sau 4 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề là hơn 34%, giải quyết việc làm hàng năm cho 3.700 LĐ.

Các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng học nghề được huyện thực hiện đã khích lệ người học. Cơ sở vật chất, thiết bị đối với các cơ sở dạy nghề được đầu tư cơ bản đáp ứng dạy 2 nghề mũi nhọn của huyện là điện, chế biến và bảo quản thủy sản. Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên (TCN-GDTX) Thanh Bình đã thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, người học nghề xong có việc làm tại Công ty CP Hùng Cá, Công ty CP Vạn Ý, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Trường cũng hợp tác với cơ sở Sáu Pha, Ba Hưng đào tạo nghề đan ghế nhựa, giỏ xách dây nhựa, sau khi học xong học viên được bao tiêu sản phẩm gia công tại nhà với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng.

Thay mặt đoàn khảo sát, ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả của huyện Thanh Bình và đề nghị huyện tăng cường thêm hoạt động tuyên truyền, tư vấn làm chuyển biến ý thức người LĐ; các nghề đào tạo cần gắn với việc thực hiện các chương trình trọng tâm của tỉnh là xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp... Đồng thời, đoàn ghi nhận đề xuất, kiến nghị của huyện Thanh Bình để đưa ra thảo luận tại kỳ họp tới của HĐND tỉnh.

Trước đó, đoàn công tác đã đến khảo sát tại Trường TCN-GDTX Thanh Bình và cơ sở đan ghế dây nhựa Sáu Pha ở xã Tân Phú.

Sáng ngày 30/10/2014, Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh tiếp tục đến huyện Cao Lãnh để khảo sát tình hình triển khai, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn huyện.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Cao Lãnh tập trung triển khai tuyên truyền, tư vấn và dạy nghề cho LĐ nông thôn, giúp người dân có ý thức hơn trong việc học nghề để có việc làm và số lượng LĐ nông thôn được đào tạo nghề có chuyển biến tích cực. Có gần 3.400 LĐ của huyện được đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, LĐ có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ trên 75%. Thông qua triển khai đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ qua đào tạo nghề cuối năm 2014 đạt 41%.

Hạn chế của huyện Cao Lãnh trong việc thực hiện, triển khai Đề án là một số lãnh đạo địa phương trên địa bàn chưa tập trung triển khai Đề án; nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học nghề; việc khảo sát nhu cầu học nghề của LĐ ở vài địa phương còn chưa sát nhu cầu thực tế nên xảy ra tình trạng chuyển đổi nghề khác;... Địa phương kiến nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng cận nghèo; tạo điều kiện cho huyện tham gia học tập kinh nghiệm các mô hình dạy nghề mới mang lại hiệu quả ở ngoài tỉnh.

Qua làm việc, Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được huyện Cao Lãnh trong đào tạo nghề nông thôn, đồng thời đề nghị lãnh đạo huyện cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề nông thôn để tạo bước chuyển biến trong công tác dạy nghề ở địa phương; quan tâm công tác tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và chú ý đến tính hiệu quả sau đào tạo phải gắn với việc làm; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến để người dân có ý thức học nghề đạt hiệu quả;...

Thanh Trúc - Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn