Người ra đi, ở lại đều làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình (*)

Cập nhật ngày: 29/10/2014 05:52:54

Tại lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954, đồng chí Nguyễn Văn Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có bài phát biểu quan trọng, Báo Đồng Tháp xin giới thiệu.


Đồng chí Nguyễn Văn Dương

Kính thưa:

- Đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương,

- Các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, đại diện cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh,

- Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,

- Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh,

- Các đồng chí và quý khán giả đang theo dõi truyền hình trực tiếp.

Đất nước ta đang trong những ngày tháng 10 với nhiều sự kiện trọng đại, diễn ra cách đây tròn 60 năm. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên phủ, góp phần trực tiếp đưa đến sự ra đời của Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương. Theo Hiệp định, trên chiến trường Nam Bộ lúc ấy, Đồng Tháp Mười, tỉnh Long Châu Sa là một trong ba khu tập kết. Sau đó, 13.508 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên các cơ quan Dân - Chính -Đảng, thương bệnh binh, học sinh từ các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Long Châu Sa, Gia Định Ninh, Phân Liên khu miền Đông và các lực lượng khác lần lượt tập trung tại thị xã Cao Lãnh (nay là TP. Cao Lãnh) để xuống tàu, tập kết ra miền Bắc.

Hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954-2014). Thay mặt Tỉnh ủy Đồng Tháp, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe quý khách dự.

Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp dành tình cảm trân trọng đối với hơn 500 đại biểu về dự họp mặt, là những người đã từng ra đi từ bến sông Tiền, từ Doi Me (Mỹ Thọ) hơn nửa thế kỷ trước, là những người được phân công ở lại, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu suốt 21 năm ròng rã. Tất cả đều làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình: “Ra đi vinh quang, ở lại anh dũng”, thể hiện khát vọng hòa bình, quyết tâm thống nhất giang sơn và niềm tin tất thắng không gì lay chuyển được.

Trong giờ phút thiêng liêng và trang trọng này, với niềm xúc động và biết ơn vô hạn, chúng ta cùng thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, không được cùng đồng chí, đồng bào hưởng trọn niềm vui của ngày đất nước thống nhất, trong đó có nhiều người đã từng đến Cao Lãnh, Long Châu Sa ngày ấy.

Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp xin tri ân Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho hơn 13.000 người con tập kết từ Cao Lãnh nói chung và 2.563 con em Long Châu Sa nói riêng trong những ngày vô cùng gian khó sau chiến tranh.

Thưa các đồng chí

Trong 100 ngày hòa bình, không chỉ có hơn 13.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, học sinh tập trung về thị xã Cao Lãnh để ra đi mà còn hàng vạn người thân cũng đã về đây thăm hỏi, tiễn đưa, cả những người dân sống trong vùng chính quyền Pháp kiểm soát cũng đổ về Cao Lãnh để được tận mắt nhìn thấy người cán bộ cách mạng, anh Bộ đội Cụ hồ.

Tỉnh ủy Long Châu Sa, Đảng bộ Cao Lãnh, các tổ chức quần chúng và lực lượng vũ trang địa phương đã tập trung chuẩn bị trước khi các lực lượng tập kết chuyển về Cao Lãnh, nhiều công việc đã được thực hiện, không chỉ để tiếp đón, bảo vệ, bố trí nơi đóng quân của các đơn vị mà còn triển khai nhiều chủ trương, xây dựng chính quyền cách mạng, bảo đảm sinh hoạt bình thường của nhân dân, và xa hơn nữa là chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ sau này của Đảng bộ, nhân dân. Thực tế lịch sử cho thấy, ngay từ khi tiếp nhận bàn giao khu vực tập kết Đồng Tháp Mười và Cao Lãnh từ chính quyền cách mạng, chính quyền tay sai không từ một thủ đoạn nào hòng thủ tiêu thành quả cách mạng, chia cắt đất nước, chia cắt từng làng xóm. Trong tình thế đầy khắc nghiệt ấy, Tỉnh ủy Long Châu Sa, những cán bộ, đảng viên được phân công bám trụ và quần chúng cốt cán, một lòng kiên trung, hòa vào nhân dân để tồn tại, liên tục đấu tranh, gầy dựng phong trào, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài và ác liệt hơn. Đó là những người “Ở lại anh dũng”, ở lại để giữ lửa cách mạng.

Hình tượng của người cán bộ cách mạng, người chiến sĩ của Cụ Hồ được truyền tụng từ những năm kháng chiến chống Pháp, chứng kiến thái độ, việc làm của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong những ngày ở Cao Lãnh, hiền hòa, thân thiện, nghiêm túc, tôn trọng nhân dân, tình cảm dành cho những người sắp phải ra đi vì nghĩa lớn ngày càng sâu đậm trong lòng người dân Cao Lãnh và nhân dân vùng Đồng Tháp Mười. Chính từ đó, nhân dân đã nhiệt tình đóng góp công sức cùng các bộ đội hoàn thành nhiệm vụ, tận tình chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ tập kết. Chắc hẳn bộ đội hoàn thành nhiệm vụ, tận tình chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ tập kết. Chắc hẳn trong tâm khảm tất cả những người tập kết đều lưu giữ những ký ức khó phai về những con người mà mình đã gặp, những gia đình mà mình đã cùng chung sống ở đôi bờ kinh Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp; ở Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Hòa An, Tân Thuận, Tân Tịch, Nhị Mỹ và những vùng quê khác trong khu vực tập kết Đồng Tháp Mười.

Tình cảm quân dân trong thời khắc lịch sử đó, đã thôi thúc những người tập kết lập nhiều thành tích, góp phần xây dựng và bảo vệ miền Bắc, hoặc trở về cùng đồng chí, đồng bào chiến đấu giải phóng miền Nam, để rồi trong số đó, có người trở thành Nguyên thủ quốc gia, tướng lĩnh, sĩ quan, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà khoa học, văn nghệ sĩ sáng tạo những công trình, tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và các danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Thưa các đồng chí

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đoàn kết một lòng, sáng tạo, tích cực phát huy lợi thế của tỉnh, vượt qua khó khăn, tập trung tìm hướng phát triển phù hợp, cố gắng thoát ra khỏi những nhược điểm vốn có của một tỉnh thuần nông. Những nỗ lực đó, đã đạt được kết quả bước đầu, làm sáng rõ hướng đi trên cách lĩnh vực ưu tiên, khẳng định triển vọng, tạo được niềm tin, thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận xã hội, nhận được sự ủng hộ của nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra động lực và tiềm lực mới để có thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm sau.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch đặc trưng Đồng Tháp Mười, chuẩn bị điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế biên giới, đào tạo lực lượng lao động thích ứng với yêu cầu phát triển, xây dựng chính quyền phục vụ, thu hút các nguồn lực xã hội, cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước là những gì mà Đồng Tháp đã tiến hành những năm qua, tạo dựng được nhiều mô hình hiệu quả, cách làm phù hợp hiện nay và sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp quyết tâm đổi mới, đoàn kết, đồng thuận, phát huy tối đa trách nhiệm của hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân, vì tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương Đồng Tháp, quyết tâm cùng cả nước phát triển nhanh và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn.

(*) Tiêu đề do phóng viên đặt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn