Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa - hiện thực và hỗn hợp
Cập nhật ngày: 11/09/2022 16:23:08
ĐTO - Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ ra “những thách thức” mà trong đó “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện” được nêu bật ngay sau “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế”. Xem ra, “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa” là khả năng hiện thực bởi các nhân tố hỗn hợp đã và đang tồn tại trong xã hội ta hiện nay cần được nhận diện đúng và có các giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Chệch hướng, lệch hướng hay sai đường đều nói đến sự vật, hiện tượng có khuynh hướng không đúng tâm, đúng đích. Chệch hướng xã hội chủ nghĩa là “lệch” mục tiêu, mục đích của xã hội tương lai. Xã hội xã hội chủ nghĩa là một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn xã hội tư bản chủ nghĩa và đó là một quá trình phát triển, hoàn thiện lâu dài. Theo nhận thức của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam thì xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đặc trưng chủ yếu là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Và như vậy, khi xa rời mục tiêu đã đề cập hay có những dấu hiệu của một xã hội cạnh tranh bất bình đẳng, “cá lớn nuốt cá bé”, phá hủy môi trường sống, quyền lực chính trị thuộc về số ít... cho thấy sự “lệch pha” xã hội xã hội chủ nghĩa.
Với tư duy khoa học và cách “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” được xác lập tại Đại hội VI, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã nêu rõ 4 nguy cơ: “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch” và lưu ý: “Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”. Trong những năm qua, các nguy cơ ấy không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn có những mặt gia tăng, trong đó đáng lo ngại nhất là “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa”. Với nhiều người tâm huyết và gắn bó với chế độ chính trị hiện hành, sự quan ngại càng sâu sắc hơn bởi nguy cơ này đôi khi diễn tiến “âm thầm”, “êm dịu”. Sự “thầm lặng” của nó do các nhân tố bên ngoài và bên trong rất hiện hữu và có tính “chính đáng”. Ở đây, bài viết đề cập vài nhân tố để thấy sự tác động khôn lường của nó.
Về các nhân tố bên ngoài
Trước hết, có thể nhận thức rõ tính khách quan không thể cưỡng lại được của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế buộc các chủ thể phải ứng xử theo những nguyên tắc chung nhất định. Tất cả lực hút - đẩy của các yếu tố về kinh tế, chính trị và tín ngưỡng, văn hóa và xã hội đều ảnh hưởng, đan xen, thẩm thấu lẫn nhau. Chỉ nói riêng yếu tố kinh tế, sinh thời, Lênin từng cảnh báo: “sản xuất hàng hóa từng ngày, từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”. Tính chất hội nhập, hóa nhập làm cho mức độ “hòa tan” của xã hội xã hội chủ nghĩa là rất có thể.
Thứ đến, sự chi phối, tác động làm ngăn chặn, hủy hoại hay thay đổi mục tiêu luôn là ý đồ xuyên suốt của các thế lực thù địch. Lịch sử đã chỉ ra rằng, ngay từ khi còn là “bóng ma” (Mác đề cập trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản), một “liên minh thần thánh” đã hình thành để trừ khử xã hội xã hội chủ nghĩa. Từ đó đến nay và mãi sau này, âm mưu ấy sẽ không bao giờ từ bỏ. Với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn, các thế lực đều rắp tâm triệt phá các nước xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là cuộc đấu tranh một mất một còn. Lơ là, mất cảnh giác hay ngộ nhận là tự hủy diệt đối với xã hội xã hội chủ nghĩa.
Về các nhân tố bên trong
Một là, chủ thể lãnh đạo, quản lý có thể có những dự báo, tính toán sai lầm. Rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của tình hình quốc tế và trong nước, chủ thể ra các quyết sách có thể phạm phải những sai lầm. Sai lầm ở các quyết sách cụ thể làm rối loạn xã hội và giảm uy tín của cơ quan lãnh đạo. Sai lầm trên phương diện đường lối chính trị sẽ đưa “con tàu” chệch “đường ray” không thể cứu vãn được. Liên Xô và một số quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ đã cho thấy rõ về tính nguy hại của kiểu sai lầm này.
Hai là, các “nhóm lợi ích” có thể làm lệch, thậm chí khuynh đảo xu hướng phát triển. Các bài học từ các nước xã hội xã hội chủ nghĩa và ngay ở nước ta trong thời gian gần đây cho thấy sức mạnh của các thế lực “ngầm”, “sân sau”. Những con sâu mọt có khả năng đục khoét, hủy hoại mọi thành quả sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhân dân gây dựng. Những kẻ ấy làm gì còn lý tưởng xã hội chủ nghĩa và hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.
Những nhân tố làm “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” được đề cập trên đây chứa đựng cả tính khách quan và chủ quan. Một lần nữa, nó đòi hỏi Đảng phải có lời giải thỏa đáng và kịp thời. Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân giao trọng trách “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, “chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Thật ra, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng dự báo và đưa ra các giải pháp để khắc phục các khuynh hướng lệch lạc. Và “cẩm nang” để đảm bảo Đảng Cộng sản Việt Nam tránh được nguy cơ chệch hướng chính ngay những điều đã được nêu: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích Quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Trước mắt và quan trong nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống chính trị phải xử lý căn bản tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Và, với bản chất cách mạng chân chính, có bề dày lịch sử chiến đấu ngoan cường, được Nhân dân tin yêu, Đảng sẽ có sức mạnh to lớn, lãnh đạo dân tộc viết tiếp những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức đúng vấn đề là tiền đề cho hành động đúng. Hầu như ai cũng tán thành câu nói: Biết địch, biết ta trăm trận bất bại. Thấu hiểu đầy đủ hoàn cảnh bên ngoài và nội tình, có kế sách đúng đắn và quyết tâm cao, toàn Đảng và cả dân tộc Việt Nam tiếp tục hành trình vững vàng hướng theo mục tiêu đã chọn: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
DÂN BIỆN