Quốc hội thông qua việc thí điểm cơ chế đặc thù về đầu tư công trình giao thông đường bộ
Cập nhật ngày: 28/11/2023 17:07:44
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, việc thí điểm chỉ áp dụng đối với các dự án Chính phủ trình và không bổ sung danh mục dự án thí điểm sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án đề xuất với Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 28/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,93% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ, Quốc hội quyết nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc mà Chính phủ đề xuất.
Quốc hội cho phép nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án tại Phụ lục IV kèm theo Nghị quyết.
Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nghị quyết của Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu thi công nói trên, bao gồm: nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra và phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố; bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác; nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật…
Toàn cảnh phiên biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Ảnh: DUY LINH)
Về tổ chức thực hiện, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
Đồng thời, Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án tại Phụ lục kèm theo, bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ đề xuất; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hiệu quả của chính sách; và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.
Chỉ áp dụng tại một số dự án cụ thể
Trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành do việc ban hành Nghị quyết thí điểm, đề nghị rà soát các luật có liên quan để sửa đổi một cách tổng thể, toàn diện.
Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian vừa qua kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được Nhà nước quan tâm dành nguồn lực lớn để đầu tư, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, trong khi việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định, để phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Quốc hội, việc ưu tiên nguồn lực, có các chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại là rất cần thiết.
Một số chính sách thí điểm tại dự thảo Nghị quyết được kế thừa từ các chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng thời gian qua và đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất Quốc hội đưa ra tiêu chí cho dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, Chính phủ quyết định danh sách dự án được áp dụng trên cơ sở tiêu chí của Quốc hội ban hành thay vì danh sách dự án cụ thể như trong dự thảo Nghị quyết nêu.
Giải trình, làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Chính phủ đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn dự án thí điểm và trên cơ sở đề xuất của các địa phương đã rà soát, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết và danh mục dự án.
Để việc thực hiện thí điểm có hiệu quả, rõ địa chỉ, phạm vi, thời gian áp dụng, tránh dàn trải, đúng với tính chất thí điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc thí điểm chỉ áp dụng đối với các dự án Chính phủ trình và không bổ sung danh mục dự án thí điểm sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án đề xuất với Quốc hội.
Theo VĂN TOẢN (NDO)