Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cập nhật ngày: 04/02/2023 08:26:21

ĐTO - Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Các chỉ tiêu cụ thể được xác định là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt trên 50%...

Nghị quyết xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, trong đó tập trung vào một số định hướng cụ thể như: Về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; phát triển hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia, thứ tự ưu tiên thực hiện và giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Trong đó, nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia để kiến tạo không gian phát triển mới. Cụ thể, quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng sự hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa. Theo đó, từ nay tới năm 2030, nhiệm vụ ưu tiên là hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cùng với 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số hành lang kinh tế Đông - Tây ưu tiên khác sẽ được nghiên cứu bổ sung.

Song song đó, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 để các vùng động lực dẫn dắt, đi trước, đóng góp lớn cho nền kinh tế; đồng thời vẫn tiếp tục phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khác trên cả nước. Theo đó, quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng phát triển 4 vùng động lực quốc gia và 4 cực tăng trưởng bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); Vùng động lực phía Nam (TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); Vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và Vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long.

Tương ứng với 4 vùng động lực này là 4 cực tăng trưởng: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Trong giai đoạn sau năm 2030, mục tiêu sẽ là tập trung phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng trên cơ sở khai thác hiệu quả các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực, liên kết mạnh mẽ để cùng phát triển.

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn