Kỷ niệm 110 năm ngày sinh người cộng sản kiên trung Tô Hiệu (1912 - 2022)

Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” - tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Cập nhật ngày: 14/03/2022 10:39:07

ĐTO - Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang). Đồng chí tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ tuổi. Tích cực tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Tô Hiệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm 1932, sau đó giữ nhiều trọng trách trong Đảng.


Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944)

Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Mãn hạn tù, đồng chí bị thực dân Pháp quản thúc tại làng Xuân Cầu. Đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào mặt trận Đông Dương, được bầu làm Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Năm 1936 -1937, đồng chí tham gia chỉ đạo phong trào ở Hà Nội và một số tỉnh; năm 1938 - 1939 được điều về đặc trách Bí thư liên khu B gồm các tỉnh duyên hải Bắc bộ, Hải Dương và Hưng Yên kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Cuối năm 1939, đồng chí lại bị địch bắt, đầu năm 1940 bị chúng đày lên Sơn La. Trước sự tra tấn dã man của địch, mặc dù bị lao phổi nặng nhưng với cương vị là bí thư chi bộ nhà tù, đồng chí hăng hái tham gia lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, giữ vững khí tiết cách mạng, đồng thời biến nhà tù thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, cho cách mạng.

Tháng 5/1941, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định xuất bản tờ báo Suối Reo. Đây là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Tờ báo ra đời trong điều kiện hoạt động bí mật, viết bằng tay. Nội dung phản ánh các nội dung sinh hoạt của tù nhân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc của chính quyền thực dân, thể hiện tinh thần, khí phách hiên ngang của người tù cộng sản.

Là Trưởng Ban huấn luyện, đào tạo, trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền của Chi bộ, mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn miệt mài viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên với tinh thần lạc quan cách mạng. Đồng chí nói với anh em trong Chi bộ: “Mình biết chắc mình sẽ chết sớm hơn mọi người, vì vậy mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu phục vụ cho Đảng”. Đồng chí thường ngồi xổm trên bệ xi măng, mặt quay vào tường, hai đầu gối co lên áp vào ngực để nén cho vết thương trong phổi đỡ nhức nhối, vừa viết tài liệu vừa ho, đôi khi ra máu. Cũng chính những ngày này, từ những giọt nước hiếm hoi trong ngục tối, đồng chí Tô Hiệu đã gieo một mầm đào ngay bên ngách xà lim.

Ngày 7/3/1944, trong vòng tay đồng chí, anh em, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi. Trước khi ra đi, đồng chí đã để lại bức di chúc gửi Chi bộ nhà tù Sơn La, với nội dung phân tích tình hình thế giới cũng như trong nước; nêu sự tất thắng của cách mạng và động viên đồng đội ở lại giữ vững tinh thần đấu tranh, chiến đấu cho đến ngày cách mạng thành công. 

Với 32 năm tuổi đời, 18 năm quyết dấn thân, hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, cuộc đời cũng như sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sỹ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta. Hình ảnh đồng chí Tô Hiệu với cây đào được trồng tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cộng sản tại đây; đồng thời là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên và mãi nở hoa, kết trái. Gần 8 thập niên trôi qua kể từ ngày đồng chí hy sinh nhưng tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi ghi vào trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã xác định rõ lộ trình và đạt được nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng vĩ đại đó của cả dân tộc cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước của toàn dân, sự tiên phong, gương mẫu của những người cộng sản với một ý chí và quyết tâm vô cùng to lớn, dám nghĩ, dám làm, mở đường mà đi. Chúng ta có thể tìm thấy giá trị tinh thần tiên phong đó ở tấm gương người cộng sản Tô Hiệu để đưa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đi đến đích cuối cùng.

Đ.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn