Báo động tình trạng sâu răng ở trẻ

Cập nhật ngày: 01/04/2013 05:04:08

Thống kê của Khoa Sức khỏe cộng đồng - Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp cho thấy, thực trạng sâu răng ở trẻ em hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang báo động. Đáng chú ý, học sinh ở bậc học Mầm non và cấp Tiểu học trên địa bàn các huyện trong tỉnh có tỉ lệ mắc bệnh liên quan đến răng miệng khá cao.


Trẻ điều trị sâu răng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Cụ thể trong năm học 2011 - 2012, có 7.333/7.385 học sinh Tiểu học của huyện Châu Thành mắc bệnh liên quan đến răng miệng, chiếm 99,3%. Tương tự, tại thị xã Hồng Ngự có 74,4%, huyện Hồng Ngự có 69,3%, thành phố Cao Lãnh 62,1%,... trẻ mắc bệnh răng miệng. Số trẻ đang học ở bậc học Mầm non tại mỗi huyện, thị, thành trong tỉnh cũng có từ 12,3% - 60,8% mắc bệnh răng miệng.

Không chỉ những trẻ ở các huyện, thị vùng biên giới mắc nhiều bệnh liên quan đến răng miệng mà ở tại đô thị có nhiều điều kiện chữa trị, thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền phòng ngừa bệnh này cũng đang có nhiều trẻ mắc bệnh. Mới đây, Trung tâm Y tế TP.Cao lãnh đã khám sức khỏe học sinh trên địa bàn thành phố, kết quả khám răng ở trẻ dưới 12 tuổi (Mầm non và Tiểu học) phát hiện trong tổng số 13.540 trẻ khám thì có đến trên 8.100 trẻ mắc bệnh có liên quan đến răng.

Tại Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, trung bình mỗi ngày có trên 10 trẻ đến điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng. Bác sĩ Lâm Thị Xuân Hoa, Trưởng Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, chỉ một số trường hợp trẻ được sự quan tâm của gia đình đưa đến nhổ răng khi răng sữa lung lay, hay đến trám khi nhai đau,... phần nhiều là các trường hợp đến điều trị muộn.

Theo bác sĩ Hoa, để phòng ngừa và điều trị kịp thời, đúng cách các bệnh lý răng miệng thường gặp ở trẻ em, trẻ cần được vệ sinh răng miệng, tập thói quen chải răng sau khi ăn; đối với trẻ nhỏ, sau khi bú bình, uống sữa cần uống thêm nước tráng miệng. Trẻ khám răng miệng định kỳ từ 3 đến 6 tháng hoặc khi có dấu hiệu đau khi ăn nhai, tự phát chảy máu, sưng vùng nướu; phụ huynh quan sát thấy có đốm màu đen trên mặt răng, lổ khuyết trên thân răng cần đưa trẻ khám và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển sâu răng.

Để trẻ có hàm răng đẹp, phụ huynh cần chú ý tuổi thay răng sữa cho trẻ; trẻ cần khám để được hướng dẫn nhổ răng, tạo điều kiện thuận lợi cho các răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí sau này. Khám ngay sau chấn thương để được điều trị kịp thời vì đôi khi răng sữa bị chấn thương sẽ gây dính khớp và không tự tiêu khi đến tuổi thay răng, do đó răng vĩnh viễn sẽ không thay thế được đúng vị trí răng sữa mà nó cần thay, dẫn đến mọc lệch.

Trong quá trình điều trị, nếu sâu răng đã tiến triển tới tủy răng thì cần thiết phải điều trị tủy (còn gọi là lấy chỉ máu). Dây thần kinh và mạch máu bị nhiễm khuẩn trong tủy răng sẽ được loại bỏ, bơm rửa sạch và được trám bít bằng vật liệu chuyên dùng của nha khoa.

Trước thực trạng sâu răng ở trẻ em hiện nay trên địa bàn tỉnh, Bác sĩ Nguyễn Thị Liên Chi - Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng - Trung tâm y tế Dự phòng Đồng Tháp cho biết, dự kiến năm nay sẽ lên kế hoạch điều trị cho học sinh có nhu cầu sâu răng sữa, sâu răng vĩnh viễn bằng hình thức khám nha khoa lưu động tại tất cả trường học mầm non và Tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn