Bữa sáng ngày giá rét nên ăn gì để tăng cường sức khỏe?
Cập nhật ngày: 29/01/2016 12:38:27
Bữa sáng vô cùng quan trọng với cơ thể, nhiều người thường coi nhẹ việc ăn sáng, thậm chí bỏ bữa. Những ngày giá rét, bữa sáng càng cần thiết hơn để giúp bạn có thể chống chọi với thời tiết.
Sau một đêm ngủ dài, thức ăn trong dạ dày đã được tiêu hóa hết, do đó bạn phải bổ sung thêm năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể. Nếu bạn bỏ bữa sáng, cơ thể cảm giác lạnh hơn, thậm chí rét run, các hoạt động chậm chạp hơn nặng nhất có thể hạ huyết áp hay tụt đường huyết.
Đừng bỏ qua bữa sáng để có một ngày tràn đầy năng lượng. Ảnh minh họa.
Khi bạn không ăn sáng, cơ thể sẽ lấy dinh dưỡng từ gan, gây tổn hại đến hoạt động của bộ phận này. Ăn sáng không đủ chất hoặc nhịn ăn sáng còn có thể khiến cơ thể hạ huyết áp, gây ảnh hưởng đường huyết và lâu dần sẽ gât nguy hiểm cho hệ miễn dịch, sức đề kháng do không đủ chất để duy trì hoạt động tốt nhất cho các hệ cơ quan.
Dưới đây là những món ăn bạn nên tăng cường vào ngày giá rét:
Ngũ cốc
Về món ăn cho bữa sáng, bạn cần ưu tiên hàng đầu các loại ngũ cốc, đây là nguồn cung cấp chất bột, đường để đảm bảo đường huyết ổn định và năng lượng của cơ thể.
Bún, phở
Bún, phở là gợi ý không tồi cho một bữa sáng ấm áp, giàu dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Theo PGS.TS Nguyễn Lâm chia sẻ trên Vietnamnet, bún bò, phở gà hay các loại súp thịt, hải sản, rau củ, ngũ cốc... đều là món ăn có độ nóng vừa phải, dễ ăn, dễ tiêu hoá và mang tới nguồn dinh dưỡng cần thiết. Xôi nếp ăn cùng thịt, giò, chả cũng là món ăn phù hợp cho bữa sáng vào mùa đông. Đặc biệt là những ngày giá rét.
Súp
Ngoài ngũ cốc hay cơm, bún, phở, bạn có thể lót dạ bằng một bát súp thịt bò, súp hải sản, súp rau củ. Súp có độ nóng vừa phải, dễ ăn và dễ tiêu hóa. Trong súp còn có sự kết hợp của bột, các loại ngũ cốc như ngô, rau, nấm có nhiều nguồn dinh dưỡng.
Trứng vịt lộn
Ngoài ra, trứng vịt lộn ăn kèm với rau răm, vài lát gừng tươi cũng mang lại nguồn dinh dưỡng cho ngày mới. Theo Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh - Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, trứng vịt lộn là một món ăn rất bổ dưỡng. Trong một quả trứng vịt lộn có tới 182 kcal năng lượng; 13,6 gr protein; 12,4 gr lipid; 82 mg canxi; 212 gr photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra, còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…
Trứng vịt lộn ăn kèm với rau răm, vài lát gừng tươi cũng mang lại nguồn dinh dưỡng cho ngày mới. Ảnh minh họa.
Rau răm, gừng vị cay nồng, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Do đó, chúng có tác dụng chống lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không ăn kèm rau răm, gừng với trứng vịt lộn.
Theo Nhã Nam (Người đưa tin)