Chữa tăng huyết áp bằng từ quả bí ngô
Cập nhật ngày: 13/09/2015 12:22:54
Bí ngô còn gọi là bí đỏ, bắc qua, phục qua, oa qua... Quả có hình cầu hoặc hình trụ, chín có màu vàng cam và chia tách thành từng múi với nhiều hạt bên trong. Hạt dẹt, hình bầu dục có chứa tinh dầu.
Theo Đông y, quả bí ngô vị ngọt, tính ôn, có tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu đờm, giảm đau, được dùng để chữa sưng viêm do côn trùng đốt... Ngoài ra, loại quả này cũng được xem là một thực phẩm bổ não, ăn thường xuyên sẽ giúp phòng bệnh viêm màng não. Hạt của quả bí ngô còn được dùng làm thuốc lợi tiểu, tẩy giun. Nghiên cứu cho thấy trong quả bí ngô chứa nhiều vitamin A, B, C, E, D, PP và vitamin T tốt cho da và não bộ, tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Loại quả này còn chứa nhiều chất xơ và đường tự nhiên, không gây béo phì, tốt cho hệ tiêu hóa. Do vậy, bí ngô là loại thực phẩm được ưu tiên hàng đầu nếu muốn giảm cân. Ngoài ra, ăn bí ngô thường xuyên sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các chất: sắt, kẽm giúp đẩy nhanh quá trình tạo máu và các huyết cầu tố, phòng ngừa bệnh thiếu máu và xơ vữa động mạch. Đặc biệt, quả bí ngô rất tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch và huyết áp vì chất peptit có trong bí ngô có tác dụng trung hòa và làm giảm lượng cholesterol, phục hồi các tế bào sản sinh insulin bị tổn thương, từ đó cải thiện lượng insulin trong máu.
Quả bí ngô có tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu đờm, giảm đau...
Những bài thuốc chữa bệnh từ bí ngô:
Chữa bỏng lửa, nước sôi: Dùng ruột bí ngô đắp ngay vào vết bỏng. Hoặc nấu cao bằng thịt bí ngô để dành thoa vào vết bỏng, hoặc thái mỏng phơi khô tán thành bột mịn, khi sử dụng hòa tan chúng với lòng trắng trứng gà hay trứng vịt bôi vào vết bỏng.
Trị bệnh đái tháo đường: Người bị tiểu đường nên dùng bí ngô hàng ngày như các loại rau xanh khác, có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu và thúc đẩy việc tiết ra chất insulin trong cơ. Có thể nướng bí ngô cho khô, nghiền bột. Uống với nước đun sôi để nguội. Mỗi lần 6g, ngày 2-8 lần.
Tẩy giun: Dùng 50g hạt bí ngô tươi hay khô đối với trẻ em (người lớn 300g), giã nhuyễn hoặc xay bằng cối xay thịt, thêm ít nước đun sôi để nguội vắt lấy nước cốt, thêm với nửa chén nước cốt dừa khô (nạo nhỏ, vắt lấy nước cốt). Uống hết một lần vào buổi sáng khi bụng đói, giun sẽ bị say và thải ra ngoài.
Trị mụn nhọt: Cuống bí ngô phơi khô, đốt thành than. Nghiền bột, trộn với dầu mè đắp vào mụn nhọt.
Chữa bệnh tăng huyết áp: Bí ngô rửa sạch, cắt miếng rồi hấp chín với đường phèn. Ngày ăn từ 2 - 3 lần.
Chữa phù thũng, bụng trướng nước, khó đi tiểu: Cuống quả bí ngô, sao vàng đem nghiền bột, khi dùng uống với nước nóng, ngày 3 lần, mỗi lần 1-2g.
Lưu ý: Người khi bị thấp khớp và bệnh sốt rét thì không nên ăn vì ăn sẽ bị đau thêm và vàng da.
Theo sách “Thức ăn vị thuốc” (SKĐS)