Đảm bảo dinh dưỡng trong những ngày Tết

Cập nhật ngày: 30/01/2013 05:33:37

Tết đến, chế độ ăn của nhiều người thường bị xáo trộn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp tư vấn chế độ dinh dưỡng trong những ngày Tết.


Bác sĩ Ngô Thị Kiều Nga

Dân gian thường nói “No ba ngày Tết” nên tâm lý của nhiều người thích dự trữ thức ăn để dùng trong dịp Tết. Xin bác sĩ tư vấn mọi người cách chọn và bảo quản thực phẩm sao cho an toàn ?

Đối với các thực phẩm chế biến sẵn như: bánh chưng, bánh tét, giò chả... nên mua ở những cửa hàng quen lâu năm, mua hàng mới làm và cần được bảo quản trong tủ lạnh. Với các thực phẩm tươi sống như: thịt bò, thịt heo... ta chọn thịt đã được kiểm dịch, thịt tươi, mỡ trắng hồng, da trắng sạch, ấn thịt vào chắc và đàn hồi, nếu có xương thì thịt dính chặt vào xương. Chọn cá có mang đỏ hồng, bụng không bể.

Với rau, trái cây, khi mua nên chọn rau còn cuống lá, không nên mua các loại rau còn rễ, bám đất vì nguồn vi sinh từ đất dễ gây hư hỏng rau, củ. Khi mua về cần bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ và rửa sạch rau cho vào túi, buộc kín rồi xếp vào ngăn tủ mát. Với các loại rau củ quả không gọt vỏ, khi ăn phải rửa bằng nước muối loãng hay nước rửa rau quả chuyên dụng.

Đối với thịt, cá sống, khi mua về, để giữ được lâu ngày cần làm sạch rồi cho vào hộp hoặc bọc nilông và bảo quản ở ngăn đá. Khi cần chế biến thì lấy ra rã đông và chế biến hết. Với các món như: thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, khổ qua dồn thịt... nấu đủ ăn 2-3 bữa, không nên hâm đi hâm lại nhiều lần. Các món chiên, quay, rôti để trong hộp to, chế ngập dầu mỡ để ngăn mát, khi ăn lấy đủ phần ăn hâm lại...

Vào dịp Tết, mọi người cần thận trọng khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Không nên mua những sản phẩm có màu sắc sặc sỡ bởi chúng thường được nhuộm từ màu công nghiệp. Khi mua về nhà cũng phải bảo quản tốt.

Hiện nay, từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, nhiều cửa hàng đã mở cửa nên mọi người không cần thiết phải dự trữ nhiều thực phẩm như ngày xưa, vì thực phẩm để lâu vừa mất ngon mà chất lượng không đảm bảo.

Ngày Tết chế độ ăn của mỗi người thường có nhiều thay đổi. Xin bác sĩ tư vấn chế độ ăn như thế nào cho hợp lý?

Dịp Tết là cơ hội để vui chơi và kèm theo cũng là những buổi tiệc liên miên. Những bữa tiệc này khiến bạn mệt mỏi, tăng cân, thậm chí mang bệnh... Do đó, cần phải chú ý.

Phần lớn thức ăn Tết được chuẩn bị trước nên thường là thức ăn rất béo hoặc rất ngọt, ít chất tươi, rất ít rau xanh... Các món ăn như bánh chưng, bánh tét, nem, thịt đông, giò xào, chả, bánh kẹo... đều là những thực phẩm giàu năng lượng. Nếu chúng ta ăn nhiều, “ăn mọi lúc, mọi nơi” sẽ dẫn tới tăng cân, béo phì và đây cũng là nguy cơ dẫn tới các loại bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường....

Mỗi ngày, cơ thể chỉ cần khoảng 2.300 calo, nếu lượng calo thừa hoặc thiếu đều có hại cho cơ thể. Không nên ăn quá nhiều thịt, nhất là hạn chế ăn thịt mỡ. Các loại thực phẩm nguội như: chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, tôm khô, xúc xích, dăm bông,... nhìn chung, nếu ăn quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.

Nên ăn rau trong những ngày Tết vì đây là nguồn cung cấp vitamin C và cung cấp thêm chất xơ giúp ruột hoạt động tốt, ngăn cản chứng táo bón, đầy hơi. Nên uống nhiều nước để tạo điều kiện cho quá trình lọc các chất cặn bã trong cơ thể.

Bữa sáng mọi người cần ăn no, bữa trưa ăn vừa đủ và ăn nhẹ vào buổi tối. Không ăn nhiều sau 19 giờ. Cố gắng đảm bảo món ăn, bữa ăn, giờ ăn càng giống gần với ngày bình thường càng tốt. Việc vận động thân thể vào dịp Tết thường bị bỏ qua. Cần cố gắng giữ lịch tập như ngày thường.

Tết của những người hiện đại không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, nghỉ ngơi nữa mà phải là giải trí, chơi Tết. Vì vậy, ăn uống khoa học sẽ là cách tốt nhất đảm bảo cho chúng ta chơi Tết vui vẻ và có một sức khoẻ dồi dào trong năm mới.

Những món thức ăn, đồ uống nào chúng ta cần hạn chế trong những ngày Tết, thưa bác sĩ?

Mọi người cần hạn chế thực phẩm axit như cá, thịt, trứng, dầu mỡ... và hạn chế ăn chiên. Nên ăn nhiều thực phẩm mang tính kiềm như: rau xanh, hoa quả. Do ngày Tết thức ăn phong phú, nên thức ăn hàm chứa muối cũng nhiều hơn. Mỗi người mỗi ngày chỉ được ăn nhiều nhất là 6g muối, tức là một thìa nhỏ.

Hạn chế các loại thức ăn năng lượng rỗng (cung cấp năng lượng nhưng không kèm vitamin, khoáng chất) như bánh, kẹo, mứt... Hạn chế các thức uống như: nước ngọt, bia... mà thay bằng các loại trái cây phù hợp với tình trạng dinh dưỡng. Hạn chế thức ăn giàu bột đường, giàu chất béo như bánh chưng, bánh ít, xôi, thịt kho trứng, lạp xưởng, giò thủ, thịt quay, thịt ba rọi.

Xin cám ơn bác sĩ!

Phú Thuận
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn