Đột quỵ: Dễ mắc, khó chữa

Cập nhật ngày: 18/04/2016 04:23:00

Chỉ riêng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), lúc nào cũng đầy ắp bệnh nhân đột quỵ, luôn vượt quá số lượng giường

Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP HCM vừa cứu sống ông T.V.H (64 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị đột quỵ nặng. Trước đó, đang ngồi trên võng, ông H. bỗng lăn đùng ra đất rồi rơi nhanh vào hôn mê, được đưa đến cơ sở y tế địa phương và chuyển tiếp lên một BV khác ở Cần Thơ. Tại đây, các bác sĩ can thiệp nhưng không thành công, lại chuyển viện.

Còn nước còn tát

Ông H. tiếp tục được chuyển lên một BV lớn tại TP HCM điều trị nội khoa. Tuy nhiên, sau 5 ngày, tình trạng không được cải thiện, diễn tiến nặng dần, rơi vào hôn mê sâu, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào. Trước thời khắc sinh tử này, người nhà ông H. quyết định xin xuất viện và chuyển sang BV ĐH Y Dược TP HCM trong tình trạng phù não, hôn mê sâu. Tại đây, ngay trong đêm, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật mở hộp sọ giải áp và phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị. Sau ca mổ, ông H. qua khỏi cơn nguy kịch, có thể tự thở, tri giác tốt. Đáng tiếc là dù được cứu sống nhưng “thời gian vàng” để được can thiệp đã mất, ông H. bị tổn thương não một bên, di chứng liệt một bên và mất chức năng giao tiếp.


Bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM)

ThS-BS Nguyễn Bá Thắng, Phó Khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược, cho biết ông H. bị đột quỵ do tắc nghẽn động mạch cảnh lớn. Đây là dạng đột quỵ rất nặng, hôn mê ngay, nếu kịp thời tái thông mạch máu bằng can thiệp nội mạch sẽ cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, bệnh nhân đã nhập viện quá chậm, mất gần cả tuần, các bác sĩ đã cấp cứu trong tình thế “còn nước còn tát”.

Trước đó không lâu, một bác sĩ của BV Chợ Rẫy sau khi dự hội nghị tại BV ra về, vừa chạy xe máy một đoạn không xa thì bất ngờ ngã nhào xuống đường. Ông được đưa lại BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và được xác định bị đột quỵ nặng...

Bệnh nhân không ngừng tăng

Tại các BV trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, ĐH Y Dược…, số bệnh nhân nhập viện điều trị đột quỵ không ngừng tăng. Mỗi ngày, BV ĐH Y Dược tiếp nhận 5 ca đột quỵ. Riêng BV Nhân dân 115 lúc nào cũng căng thẳng vì bệnh nhân đột quỵ. Khoa Bệnh lý mạch máu não của BV này chỉ đặt 130 giường nhưng luôn có từ 160-170 bệnh nhân nằm điều trị, chưa kể mỗi ngày tiếp nhận trung bình từ 30 ca trở lên. Bệnh nhân đến nhiều từ Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai…

Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, điều trị đột quỵ là một chuỗi rất phức tạp, phải phối hợp đa chuyên khoa từ hệ thống chuyển bệnh đến tiếp nhận cấp cứu, từ chuyên khoa thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch cho đến phẫu thuật thần kinh, hồi sức… Tất cả các khâu phải theo một quy trình đồng bộ, nhịp nhàng và nhanh nhất mới cứu được người bệnh.

TS-BS Trần Chí Cường, Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Trường ĐH Y Dược kiêm Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM, cho biết hiện nay, tình trạng người bị đột quỵ ngày càng tăng. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng, đặc biệt trong xử trí, điều trị đột quỵ, lại chưa tương xứng với yêu cầu.

Phương pháp điều trị mới

Đột quỵ gồm 2 dạng là xuất huyết não và nhồi máu não, trong đó nhồi máu não chiếm 70%-80% các trường hợp. Ở thời điểm này, điều trị đột quỵ nhồi máu não có nhiều nội dung rất mới cần được cập nhật. Hướng điều trị đột quỵ được đề cập khá nhiều trong thời gian qua là tiêu sợi huyết đường toàn thân (bơm thuốc vào tĩnh mạch để làm tan cục máu đông) đạt được hiệu quả nhất định trong 4-5 giờ đầu đối với tình huống tắc mạch máu nhỏ. Trong trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn thì hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 10%. Kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết toàn thân còn hạn chế khác là gây nguy cơ xuất huyết não sau khi dùng thuốc với tỉ lệ lên đến 6%.

Cấp cứu người bệnh tắc nghẽn mạch máu lớn trong 6 giờ đầu can thiệp nội mạch là biện pháp đã được chứng minh có hiệu quả cao đến 80%. Phương pháp điều trị tái thông mạch máu bằng đường can thiệp nội mạch đã được Hội Đột quỵ Mỹ đưa vào phác đồ điều trị mới nhất (năm 2015) và ngành y tế các nước đang ứng dụng rộng rãi. Riêng ở Việt Nam, số BV thực hiện phương pháp này chưa nhiều, chỉ tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM.

200.000 ca đột quỵ mỗi năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỉ lệ tử vong cao do khả năng cấp cứu, can thiệp tại các BV trên cả nước chưa đồng đều.

Vào tháng 5 tới, BV ĐH Y Dược TP HCM sẽ mở khóa đào tạo đầu tiên về phương pháp điều trị đột quỵ mới theo chuẩn quốc tế, có sự tham gia giảng dạy của một số chuyên gia nước ngoài.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH (NLĐO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn