Hủ tíu Sa Đéc đặc sắc hương quê
Cập nhật ngày: 13/02/2013 13:25:05
Hủ tíu là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ. Tùy theo cách chế biến mà hủ tíu từng vùng lại có hương vị riêng. Với hương vị độc đáo của mình, trước nay, hủ tíu Sa Đéc luôn giữ chỗ đứng đặc biệt trong lòng thực khách trong và ngoài tỉnh.
Tô hủ tíu Sa Đéc với nước súp trong, sợi bánh trắng, điểm vài miếng thịt, tim, gan, lòng heo, có khi tôm, thịt nạt bằm, kèm theo hẹ, xà lách, hành, chanh ớt,... bốc mùi thơm phức, ngay phút đầu gợi cho thực khách một bữa ăn ngon miệng.
Thật ra, hủ tíu Sa Đéc không chỉ ngon ở vẻ bề ngoài mà ở chính hương vị của nó không lẫn vào đâu được. Hương vị đó được tạo ra bởi sự hòa quyện của hai thành phần chính trong tô hủ tíu là bánh hủ tíu và nước súp (Dĩ nhiên các thành phần khác như thịt, gan... làm cho hương vị hủ tíu Sa Đéc ngon và đậm đà thêm).
Hủ tíu Sa Đéc được lợi thế là ngay địa phương có nghề làm bột gạo truyền thống trên 100 năm, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông. Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương được dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh phở, hủ tíu, bún ăn liền và được xuất khẩu ra nước ngoài từ trước năm 1975 đến nay. Bánh hủ tíu được làm từ bột gạo Sa Đéc đẹp và ngon: trắng mịn, ngọt, mềm mà không bở, không vị chua.
Ưu điểm trên nhờ nơi đây có nguồn nước dồi dào từ sông Tiền, không nhiễm phèn hay lợ, nên rất thuận lợi trong việc sản xuất bột gạo làm bánh hủ tíu. Lợi thế này không phải địa phương nào cũng có được. Để cọng bánh luôn tươi mới, thơm ngon, các chủ quán chỉ dùng bánh hủ tíu trong ngày, không để qua ngày khác; mỗi quán đều đặt mối cung cấp bánh hủ tíu riêng, luôn đáp ứng kịp, đúng yêu cầu.
Cũng như thế, trước năm 1975, bà Năm Sa Đéc - Nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh nổi tiếng ở miền Nam, quê Sa Đéc - mở quán bán hủ tiếu Sa Đéc ở Sài Gòn. Quán bà luôn đông khách. Để giữ “hồn” hủ tíu Sa Đéc, hàng ngày, bánh hủ tíu của bà phải được lấy từ làng bột Tân Phú Đông do cánh xe đò Sa Đéc - Sài Gòn chuyển tới.
Nước súp được nấu bằng xương heo, chủ yếu là xương ống và một số gia vị khác có tính “bí quyết riêng” của từng chủ quán, nhưng rất hạn chế dùng hóa chất; thêm vào đó nhờ khéo canh lửa, hớt bọt nên có điểm chung là trong vắt, hương vị thơm, ngọt đậm đà tự nhiên.
Bên cạnh hủ tíu nước, hủ tíu Sa Đéc còn nổi tiếng bởi hủ tíu khô với món nước sốt đặc trưng của người chế biến ra nó. Một tô (dĩa) hủ tiếu khô với bánh hủ tíu đã trụng dai dai mà không lền, điểm theo vài miếng thịt, gan, rưới vào nước sốt chua chua, ngọt ngọt, rắc thêm một ít đường, đậu phộng, giá... và kế bên là chén nước súp bốc khói thì không gì ngon bằng.
Món hủ tíu khô được ông Văn Dĩ mở bán sớm nhất ở Sa Đéc (vào những năm 1965-1966). Chị Nguyễn Thị Tường Vi “hậu duệ” đời thứ ba của ông Văn Dĩ, mở quán hủ tíu tại dốc cầu Cái Xếp, Quốc lộ 80, ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, ông ngoại chị (ông Văn Dĩ) khi còn sống thường kể, lúc 14 tuổi ông làm công cho một quán hủ tíu người Trung quốc ở Campuchia, học được cách chế biến hủ tíu khô sau đó về Sa Đéc mở quán bán (số 102, đường Trần Phú, hiện giờ nơi đây không còn bán hủ tíu). Với món nước sốt độc đáo học “lóm” được khi làm công, hủ tíu khô của ông làm cho người ăn nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Chị Tường Vi nói, thỉnh thoảng người nước ngoài, tỉnh ngoài về thăm quê, ghé qua ăn, nói rằng, ăn để tìm lại hương vị của hủ tíu trước đây.
Theo những người lớn tuổi, trước năm 1975, Sa Đéc có nhiều quán hủ tíu nổi tiếng như: quán Chú Cá, Chí Thành, Chí Ký, Lãnh Nam, Văn Dĩ... và bình dân là quán Bà Sẩm. Hiện giờ, phần lớn các chủ quán này do cao tuổi đã “về hưu”, nhưng vẫn truyền lại hương vị tinh túy hủ tíu của họ cho lớp “hậu duệ” sau này. Thêm vào đó, thời gian qua, ở Sa Đéc có nhiều quán hủ tíu mới mọc lên, cao cấp có, bình dân có. Nhưng dù ăn hủ tíu nước hay hủ tíu khô, cao cấp với giá 30.000 đồng - 40.000 đồng/tô hay bình dân như hủ tíu Bà Sẩm (đường Trần Hưng Đạo) giá 6.000 đồng/tô thì thực khách vẫn được thưởng thức hương vị đặc trưng của hủ tíu Sa Đéc.
Thế Dũng