Khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh để cho ra đời những đứa con khỏe mạnh
Cập nhật ngày: 11/03/2013 04:38:18
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS và SS) là chương trình thực hiện xét nghiệm thường qui cho tất cả bé sơ sinh nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển tâm thần của trẻ, từ đó có biện pháp điều trị sớm, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường và nâng cao chất lượng dân số.
Tại Đồng Tháp, mặc dù đã triển khai thực hiện SLTS và SS trước đó nhưng để góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, đầu tháng 4/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Đề án SLTS và SS). Đến nay, qua thời gian triển khai, thực hiện, Đề án SLTS và SS đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đề án đã được mở rộng thực hiện ở 94 xã của 8 huyện trong tỉnh (tăng 3 huyện và 64 xã so với năm 2011). Công tác sàng lọc trước sinh đã được thực hiện tại 4 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh. Việc thực hiện sàng lọc sơ sinh đã mở rộng triển khai đến một huyện vùng biên giới.
Quá trình thực hiện Đề án SLTS và SS, để nâng cao năng lực của cán bộ, đội ngũ những người làm công tác dân số, y tế,..., công tác đào tạo kỹ thuật dịch vụ, tổ chức tập huấn về truyền thông SLTS và SS đã được tỉnh tăng cường. Trong năm 2012, tỉnh mời cán bộ Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) tập huấn về truyền thông SLTS và SS cho hơn 60 đối tượng là Ban Chỉ đạo Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh, lãnh đạo các đơn vị y tế huyện có triển khai đề án. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho 30 nữ hộ sinh, đồng thời gửi cán bộ, y - bác sĩ tham gia tập huấn tại các bệnh viện tuyến trên nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện SLTS và SS.
Nhiều hoạt động truyền thông về SLTS và SS với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: phát tờ rơi, truyền thông nhóm, tư vấn trực tiếp, tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề,... được các địa phương có triển khai Đề án SLTS và SS thực hiện đã từng bước giúp người dân hiểu được lợi ích của việc SLTS và SS để tham gia, phối hợp thực hiện.
Kết quả, trong năm 2012, với SLTS, toàn tỉnh đã thực hiện siêu âm hình thái 1.687 trẻ sinh ra, đạt 6,7% (vượt chỉ tiêu của trên giao 4,7%). Với SLSS, đã thực hiện lấy 4.833 mẫu máu gót chân của trẻ. Qua công tác khám SLTS và SS, đã phát hiện nhiều dị tật ở thai nhi và bệnh lý ở trẻ nhằm có thể can thiệp và điều trị sớm. Chẳng hạn, qua siêu âm hình thái của trẻ sinh ra, phát hiện 15 trường hợp độ mờ da gáy quá mức bình thường; 1 trường hợp dị tật bẩm sinh thoát vị não, màng não; qua lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để gửi về Bệnh viện Từ Dũ xét nghiệm, kết quả có 46 trường hợp trẻ thiếu men G6PD. Những trường hợp trẻ sơ sinh bệnh và dị tật được phát hiện trong SLTS và SS được thông báo cho gia đình để có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời.
Theo Tổng cục Dân số-KHHGĐ, mỗi năm ước tính cả nước có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, trong đó có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Nếu được SLTS và SS tốt thì sẽ phát hiện được khoảng 1700 trẻ bị Thalassemia thể nặng; 1.400 trẻ bị bệnh Down; 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh; 10.000 - 20.000 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Nếu thai phụ được SLTS kết hợp với SLSS thì sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Vì vậy, việc quan tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án SLTS và SS trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp phát hiện những dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền trước và sau sinh mà còn tránh được những hậu quả nặng nề từ những căn bệnh khác để lại khi trẻ sinh ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Phú Thuận